Bệnh nhi khốn khổ
Dạo một vòng trong khu bệnh nhi ở Bệnh viện Ung bướu (quận Bình Thạnh, TP.HCM), hình ảnh dễ thấy nhất là những phòng bệnh chật kín người, ngoài hành lang cũng la liệt người thăm nuôi, người ngồi người nằm vất vưởng, tay lăm lăm chiếc quạt mà phe phẩy, khuôn mặt đầy vẻ mệt mỏi.
Trong phòng bệnh, mọi chỗ ở đều được bệnh nhân và người thân tận dụng tối đa, từ trên giường xuống đến gầm, bệnh nhân và người thân nằm san sát nhau.
“Bệnh viện quá đông nên bé nào nặng thì ưu tiên, mỗi bé được ở cùng một người thân. Mỗi phòng như vậy tầm hơn 20 người, mùa này nằm sát nhau nóng lắm, có quạt cũng không thấm tháp vào đâu hết”, chị Võ Thị Minh Uyên (ngụ Đồng Nai) nói.
Nhiều em bé vốn đã bệnh, truyền thuốc đau nên không chịu nổi cảnh nóng bức chật chội trong phòng bệnh nên đòi ra hành lang nằm truyền thuốc cho thoáng.
|
|
Chị Nguyễn Thị Hồng Cẩm (Bình Dương) ngồi ở hành lang, tay liên tục phe phẩy chiếc quạt giấy cho con trai của chị ngồi truyền thuốc vì bé không chịu nằm ở trong phòng.
tin liên quan
Người Sài Gòn vừa than khó thở vừa vui vì... hốt bạc nhờ nắng nóng kỷ lụcChị Cẩm cũng cho biết thêm, mỗi tháng chị phải đưa con vào bệnh viện 7 ngày để vào thuốc. Mỗi lần phải ngủ lại bệnh viên là đêm đó hai mẹ con chị không thể chợp mắt vì chật và nóng.
“Lần này mẹ con tôi phải ngủ lại hai đêm rồi mà ngủ không có được, nhiều người người ta ở đây lâu nên chỗ nào có quạt người ta đã nằm hết rồi, thằng con tôi nó ngủ quạt gió quen rồi giờ không có quạt đêm nó không chịu ngủ nữa chứ, sáng lại dậy sớm”, chị Cẩm than thở.
Anh Phan Thanh Hòa (Trà Vinh) cùng vợ đưa con trai 3 tuổi lên thành phố chữa bệnh cũng than trời vì nóng.
“Đợt này nắng nóng kéo dài quá, mình còn thấy nóng như thế này huống gì tụi con nít, chúng nó lại còn đang bệnh, có khi nửa đêm con thức giấc vì chật và nóng, vợ tôi lại phải quạt hết công suất, nghĩ mà thương vợ thương con…”, anh Hòa chia sẻ.
|
|
Đi thành phố mà như đi... bụi
Đối với những bệnh nhân điều trị ngoại trú nhưng nhà xa, đành phải ăn ở, sinh hoạt dưới bóng cây trong khuôn viên bệnh viện.
Ông Trần Văn Minh (59 tuổi, quê Phú Yên) cho biết : “Tất cả tiền bạc đã đổ vào tiền thuốc hết rồi không có tiền thuê nhà trọ, nhà tôi ở tận Phú Yên xa quá nên vợ chồng đành trải chiếu dưới gốc cây nằm chờ khám bệnh”.
Ông Minh kể từ ngày đưa vợ vào TP.HCM điều trị ung thư vú đến nay đã hơn bốn tháng và hơn hai tháng nay ông chưa được về nhà. Thời gian ở bệnh viện vợ chồng ông cùng những gia đình bệnh nhân điều trị ngoại trú khác chải chiếu dưới gốc cây làm chỗ ngủ, cơm ăn ba bữa đều nhờ vào các suất cơm từ thiện. Buổi trưa là khoảng thời gian khốn khổ nhất vì nắng xuyên qua tán cây rọi xuống chỗ nằm, cũng không thể bật quạt vì không có điện.
|
|
“Nóng lắm cô ơi, nằm một chút là mồ hôi lại tuôn ra ướt cả áo, nhất là buổi trưa này. Quạt thì không có, tắm nhiều thì cũng bất tiện lắm. Mọi người ở đây thì đành chịu thôi, quạt tay với lại uống nước đá cho đỡ nóng”, ông Minh cho hay.
“Trời ơi nóng quá, quạt muốn mỏi rời cả tay luôn, ở ngoài quê đã nóng rồi vô trong này cũng nóng y chang. Có mấy hôm nóng quá mà chồng tôi phát sốt luôn, không biết bao giờ mới hết nóng đây”, chị Tám than trời.
Khốn khổ hơn, vợ chồng bà Nguyễn Thị Chín (63 tuổi, quê Đồng Tháp) tuần nào cũng phải bắt xe từ 1 giờ sáng lên bệnh viện trong cái nắng như “đổ lửa”.
Bà Chín nói: “Tôi mới từ quê lên xong, nắng muốn chết luôn, nhức đầu, về đến nhà là muốn sốt luôn, bệnh luôn. Đi lên đây là cứ phải xách theo bọc thuốc nè”.
|
|
|
Do phải đi về thường xuyên nên vợ chồng bà Chín không có chỗ mát nào cố định để ngả lưng, những chỗ có thể nằm được đều đã có người rồi nên bà phải nằm ở chút bóng mát ít ỏi nơi mép tường trước cổng nhà về sinh.
“Những chỗ khác đều có người hết rồi, bữa tui nằm ở chỗ mát bên kia kìa nhưng về quê rồi lên cái người ta nằm mất nên giờ đành ở tạm đây. Buổi tối tôi chỉ ngủ được một hai tiếng do người ta đi qua đi lại, ban ngày thì nắng như này sao mà nằm. Như ông bên cạnh này nè, ổng nằm đây riết cái da ổng đen thùi lùi, bữa bệnh xanh lè nay nằm ngoài nắng cái đỏ da lại luôn. Mấy đứa con tôi ở nhà mỗi lần về tụi nó nói sao đi thành phố mà như đi bụi vậy”, bà Chín nói vui.
Người bị bệnh vốn đã khổ nay còn phải sống giữa “chảo lửa” lại càng khốn khổ hơn, thế nhưng những bệnh nhân nghèo này không thể làm gì hơn ngoài việc chấp nhận sống chung với nắng nóng.
Bình luận (0)