Nóng là bởi bầu trời quang mây nên mặt đất bị hun liên tục từ 10 - 12 tiếng, mới 9 giờ sáng mà nhiệt độ quan trắc được (trong lều khí tượng - làm bằng gỗ theo tiêu chuẩn của Tổ chức Khí tượng thế giới) đã là 320C, còn ở ngoài trời cảm nhận nhiệt độ 39 - 400C, kéo dài cho đến sau 17 giờ. Đặc biệt, nóng nhất là từ sau 12 - 15 giờ, nhiệt độ quan trắc từ 35 - 370C, trong khi ngoài trời lên tới 40 - 430C, lúc này lượng tia UV (bức xạ cực tím) là cấp 12 - 13/13, cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe con người. Riêng tại TP.HCM, ngày càng có cảm giác ngột ngạt khó chịu hơn mỗi khi nắng nóng, không chỉ bởi thời gian nóng kéo dài quá lâu trong ngày, mà còn do không khí ô nhiễm từ khói xe, bụi bẩn...
Điều khá đặc biệt là nắng nóng lan tỏa khắp miền Đông và miền Tây, chỉ vài nơi ven biển thì dịu hơn một ít nhưng vẫn nóng hầm hập cả ngày là do nhiệt độ buổi tối và ban đêm cũng ở mức cao hơn tháng 3 khoảng 3 - 40C. Nguyên nhân gây ra đợt nắng nóng vừa qua là do áp thấp nóng phía tây phát triển mạnh và lấn sang, nơi chịu tác động sớm nhất là vùng phía tây của miền Bắc và miền Trung, sau đó lan rộng ra những vùng khác với nhiệt độ tối cao từ 38 - 41,40C. Miền Nam chịu ảnh hưởng muộn hơn, nhưng là nơi nắng nóng kéo dài do chịu ảnh hưởng bởi áp thấp nóng bị đẩy dồn xuống phía nam. Nắng nóng ở miền Nam vẫn chưa thể chấm dứt trong những ngày tới, từ cuối tuần cho đến giữa tuần sau, nhiệt độ có thể còn tăng thêm từ 1 - 20C tùy nơi, TP.HCM sẽ có nhiệt độ cao nhất từ 37 - 380C (trong lều khí tượng), nhiệt độ ngoài trời có thể từ 40 - 430C.
Có thể thấy rõ trái đất đã ấm dần lên trong ba thập niên qua, những năm gần đây luôn có biểu hiện nóng nhất từ trước đến nay là do tác động của sự biến đổi khí hậu mà nguyên nhân từ các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp của con người ngoài sự thay đổi khí hậu của tự nhiên. Công nghiệp hóa, dân số ngày càng tăng kéo theo gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng (đặc biệt là tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch), rác thải, khí thải từ các loại phương tiện giao thông... là những tác nhân chủ yếu.
Trách nhiệm đối với sự biến đổi khí hậu là của tất cả mọi người. Tất nhiên, có rất nhiều việc cần phải làm để có thể hạn chế phần nào những tác động tiêu cực của nó. Trong đó, những việc làm thiết thực nhất chúng ta có thể làm là giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, chấm dứt việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than và chuyển sang năng lượng sạch từ bức xạ mặt trời, gió, biogas (ở vùng ngoại ô, nông thôn); giảm khí nhà kính bằng việc sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường như xe buýt CNG, tàu điện ngầm... (ở các đô thị lớn). Trong mỗi gia đình, chỉ cần những thay đổi để tiết kiệm năng lượng như sử dụng đèn Led, dùng máy lạnh lúc cần thiết, tắt nguồn điện khi ra khỏi phòng, nơi làm việc... là đã góp phần bảo vệ môi trường, cũng là để giảm bớt sự nóng lên của trái đất.
Hãy chung tay góp sức làm cho biến đổi khí hậu chậm lại.
Bình luận (0)