Nâng tầm năng lực lao động VN

15/04/2016 16:10 GMT+7

Một trong những câu hỏi then chốt nhất trong nỗ lực tăng cường năng lực cạnh tranh của VN trong nội bộ ASEAN chính là nâng cao khả năng của nguồn nhân lực.

Một trong những câu hỏi then chốt nhất trong nỗ lực tăng cường năng lực cạnh tranh của VN trong nội bộ ASEAN chính là nâng cao khả năng của nguồn nhân lực.

Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm trong khuôn khổ VEEC 2016 - Ảnh: Thụy MiênCác diễn giả tham gia buổi tọa đàm trong khuôn khổ VEEC 2016 - Ảnh: Thụy Miên
Tại Hội nghị giáo dục ngành kỹ thuật tại VN (VEEC) năm 2016, được tổ chức vào ngày 14 - 15.4 tại TP.HCM, những người tham gia có dịp quan sát chiếc máy pha cà phê phin đầu tiên tại VN. Máy có kích thước nhỏ gọn, được làm hoàn toàn bằng thủ công với ốp gỗ, bọc bằng kim loại màu vàng đẹp mắt, và có thể pha cà phê nhiều gấp đôi so với cách pha phin truyền thống. Trưởng nhóm dự án, anh Trần Phương Nam - giảng viên Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - giới thiệu đây là công trình xuất phát từ Phòng thí nghiệm Innovation, chủ nhiệm là tiến sĩ trẻ nổi tiếng Nguyễn Bá Hải. Nhiều phát minh quan trọng gần đây của Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đều xuất phát từ phòng thí nghiệm này, chẳng hạn dự án “mắt thần” hỗ trợ di chuyển cho người khiếm thị và gần đây nhất là robot phục vụ, đồ chơi trẻ em công nghệ cao…
Trả lời phỏng vấn bên lề hội nghị, TS Hải khiêm tốn tự nhận mình là một “sản phẩm” chất lượng của Chương trình liên minh giáo dục đại học ngành kỹ thuật tại VN (HEEAP), được thành lập vào năm 2010 bởi Tập đoàn Intel và Đại học bang Arizona (ASU) với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID).
Tham vọng đào tạo nhân lực cho ASEAN
Trả lời Thanh Niên bên lề hội nghị, ông Jeffrey Goss, trợ lý Phó hiệu trưởng Đại học bang Arizona, cho hay tham gia VEEC lần thứ 4 tại TP.HCM có các phái đoàn đến từ Indonesia. Hoạt động của HEEAP đã bắt đầu lan tỏa đến quốc gia thành viên khác của ASEAN từ vài tháng qua. Các chương trình giáo dục về kỹ thuật đã được thiết kế theo hướng dần dần có thể kết nối VN với Indonesia trong lĩnh vực này.
Với sự ra đời của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), lẽ tất yếu VN phải tìm cách đổi mới bằng cách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng cường khả năng cạnh tranh liên khối ASEAN và vươn tầm khỏi khu vực. VEEC năm 2016 do HEEAP tổ chức xoáy vào đề tài hết sức thiết thực là “Tính cạnh tranh của nguồn nhân lực: Quan hệ đối tác Thúc đẩy kỹ năng và Tiêu chuẩn vốn con người”. Phát biểu khai mạc hội nghị, TS Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng - Trưởng đại diện Văn phòng Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, đánh giá cao về phương hướng của VEEC lần thứ 4. Theo đó, tập trung vào sự hợp tác giữa giáo dục, công nghiệp và Chính phủ để xây dựng những năng lực mới về công nghệ và kỹ thuật, phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Ông Phúc nhấn mạnh: “Điều thú vị là năm nay hội nghị tập trung thảo luận về tính cạnh tranh của lực lượng lao động, làm sao chúng ta phải đào tạo ra lực lượng lao động không chỉ có trình độ cao mà còn có kỹ năng thích ứng công việc tốt. Đó là hình mẫu của công dân toàn cầu trong thế giới phẳng hiện nay”. Ông hy vọng hội nghị sẽ đóng vai trò như một bước đột phá trong hợp tác giữa giáo dục và công nghiệp nhằm tạo ra nguồn nhân lực có kỹ thuật và công nghệ cao, không những đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước, mà còn đáp ứng nhu cầu lao động trước hết cho các nước ASEAN và các nước trên thế giới trong tương lai.
Cạnh tranh khu vực
Về phần mình, Đại sứ Mỹ tại VN Ted Osius khẳng định: “VN là một quốc gia then chốt trong một khu vực then chốt, và Mỹ hết sức cần những đối tác mạnh mẽ tại đây”. Theo quan sát của ngài đại sứ, TP.HCM hiện không thỏa mãn với việc trở thành một thành phố thành công nhất tại VN, mà còn hướng đến cạnh tranh với Manila (Philippines) và Jakarta (Indonesia). Người Mỹ luôn sẵn sàng giúp đỡ nhân dân VN trên con đường tiến đến thành công, dựa vào kinh nghiệm quý giá đã giúp Mỹ trở thành nền kinh tế năng động nhất, sáng tạo nhất thế giới. Chìa khóa chính là mối quan hệ tam giác được phối hợp chặt chẽ giữa các học viện giáo dục - đào tạo, lĩnh vực công và Chính phủ. Kết quả của mối liên hệ này đã hình thành một môi trường, hay đúng hơn là một hệ sinh thái, giúp nuôi dưỡng sự sáng tạo.
Trả lời Thanh Niên, Đại sứ Osius nhận định rằng với TPP, VN đang nắm cơ hội thoát khỏi cái vòng lặp tạm gọi là lợi nhuận thấp - lương lậu kém, và tự đưa mình lên nấc cao hơn trong chuỗi giá trị sản xuất của thế giới bằng cách tạo ra những sản phẩm có giá trị hơn hẳn. Muốn làm được như vậy, cách duy nhất là gia tăng cơ hội giáo dục cho những người trẻ, và Mỹ đang hỗ trợ VN làm được điều đó. “Hội nghị lần này là minh chứng cho thấy người VN sẽ gia tăng sự sáng tạo, khai sáng và khởi phát những điều mới mẻ”, theo Đại sứ Mỹ. Bên cạnh HEEAP, Đại học Fulbright VN cũng là một ví dụ cho thấy Mỹ đang thực hiện cam kết giúp VN tạo ra nguồn nhân lực mới trong môi trường cạnh tranh TPP sắp tới đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.