Nâng tầm nghề rửa xe

09/04/2015 06:12 GMT+7

Áo quần luộm thuộm, nhếch nhác cùng thái độ thiếu nhã nhặn… là những gì người ta quen nhìn ở người làm nghề rửa xe.

Áo quần luộm thuộm, nhếch nhác cùng thái độ thiếu nhã nhặn… là những gì người ta quen nhìn ở người làm nghề rửa xe.

Phan Bảo Lâm - Ảnh: Thu An
Phan Bảo Lâm - Ảnh: Thu An
Phải thay đổi hình ảnh đó, nâng rửa xe thành một nghề, một dịch vụ tốt sánh ngang những dịch vụ ăn khách. Đó là những gì Phan Bảo Lâm (ngụ ở TP.HCM) đang thực hiện.
Biến ước mơ thành hiện thực
Tốt nghiệp kinh tế, từng đầu quân cho những tập đoàn bất động sản, quỹ đầu tư nước ngoài có tiếng, trở thành giám đốc phát triển thị trường của một công ty tại VN. “Dù công việc tốt, thu nhập cao nhưng mình vẫn chưa hài lòng”, Phan Bảo Lâm cho biết.


Khi mình nâng tầm nghề rửa xe sẽ giúp các nhân viên tự tin hơn với công việc của mình. Khi tôn trọng khách hàng thì tất yếu họ sẽ được xã hội tôn trọng

Phan Bảo Lâm

Trong những lần đi rửa xe máy, thấy cảnh những nhân viên rửa xe ăn nói bỗ bã, có khi quát nạt khách, áo quần dơ bẩn, trong khi khách rửa xe có người ăn mặc đẹp, sang trọng nhưng phải ngồi chờ trên những chiếc ghế không mấy sạch sẽ, bị nước rửa xe bắn tung tóe vào người…, Phan Bảo Lâm nung nấu ý tưởng đầu tư chuỗi dịch vụ rửa xe chuyên nghiệp. Bởi theo Lâm, nếu đầu tư tốt, có hệ thống thì đây là ngành dịch vụ ăn nên làm ra do nhu cầu xã hội hiện rất cao.
Phan Bảo Lâm cùng vài người bạn là kỹ sư cơ khí cùng nhau bàn bạc, tìm hiểu, nghiên cứu để cho ra đời chiếc máy rửa xe thông minh.
Ngày 1.11.2014, cửa hàng rửa xe đầu tiên của Lâm chính thức khai trương. Sau một thời gian rất ngắn, đến hôm nay, đã có hơn 10 cửa hàng ra đời tại TP.HCM và tiếp tục phát triển ra các tỉnh, thành khác trong tương lai.
Làm rửa xe được lãnh lương hưu
Điều đầu tiên Phan Bảo Lâm quyết tâm làm là xây dựng đội ngũ nhân sự, chủ yếu là nhân viên rửa xe lành nghề. Tuyển dụng, trang bị đồng phục, dụng cụ bảo hộ cho nhân viên rửa xe, ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… và đặc biệt, những nhân viên rửa xe đều được đào tạo, huấn luyện cách ứng xử có văn hóa với khách hàng.
Đó là sự đổi thay rất lớn đối với những người làm nghề rửa xe. Anh Nguyễn Đức Vinh, nhân viên rửa xe ở cửa hàng đường Lê Văn Sỹ, cho biết: “Trước đây, mình chỉ xác định đây là công việc thời vụ, làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu, chẳng biết đến ngày mai. Mình không tin được đổi đời. Ngoài thu nhập từ lương, mình còn được tiền bo của khách, được bảo đảm mọi quyền lợi như những nhân viên, công nhân khác. Mình tự tin có thể hỗ trợ được cho cuộc sống gia đình”.
Theo Phan Bảo Lâm, nhiều nhân viên rửa xe có thâm niên vài chục năm, họ rất giỏi nghề, yêu nghề, muốn gắn bó lâu dài với nghề. Thế nhưng, với họ, việc được mua bảo hiểm, được ký hợp đồng, được trả lương cố định hằng tháng, được trả lương hưu... là điều rất xa xỉ, chưa bao giờ dám nghĩ tới.
“Khi mình nâng tầm, nâng giá nghề rửa xe sẽ giúp các nhân viên rửa xe tự tin hơn với công việc của mình. Khi họ biết tôn trọng bản thân, tôn trọng công ty, tôn trọng khách hàng thì tất yếu họ sẽ được xã hội tôn trọng trở lại”, Phan Bảo Lâm nói.
Hiện nay, cửa hàng rửa xe thông minh của Lâm đang cần nguồn nhân lực có trình độ từ cao đẳng trở lên để làm việc. “Đừng nghĩ sinh viên thì không làm nghề rửa xe. Hãy cứ rửa xe từ thời sinh viên, ra trường, nếu có năng lực, các bạn có đủ khả năng để trở thành cửa hàng trưởng, quản lý khu vực, quản lý vùng…”, Phan Bảo Lâm nhắn nhủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.