Nâng tầm ngoại giao văn hóa: Sáng tạo vượt 'vùng an toàn'

Nguyên Vân
Nguyên Vân
14/08/2023 06:00 GMT+7

Bên cạnh sức mạnh nội tại đã được khẳng định, âm nhạc truyền thống Việt Nam đã cho thấy thêm hiệu quả khác trong ngoại giao văn hóa khi kết hợp cùng âm nhạc hàn lâm.

Đó là ý kiến của nhạc trưởng Trần Nhật Minh - thành viên của đoàn nghệ thuật tháp tùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Áo, Ý cuối tháng 7 vừa qua.

Ý kiến được đưa ra khi nhạc trưởng Trần Nhật Minh, Trưởng đoàn Nhạc kịch, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TP.HCM (HBSO), trả lời phỏng vấn Thanh Niên về những bài học phát huy ngoại giao văn hóa sau chuyến đi trên.

Từ dấu ấn một chuyến công diễn

Là thành viên của đoàn nghệ thuật - trong vai trò nhạc trưởng, ông có thể chia sẻ thêm về chuyến biểu diễn vừa qua cũng như cảm xúc của nghệ sĩ khi cùng nhau tạo nên "dấu ấn" này?

Lâu nay chúng ta thường thấy âm nhạc dân tộc được xem là công thức an toàn trong những chương trình biểu diễn mang tính giao lưu văn hóa. Với đoàn nghệ thuật lần này, có sự kết hợp cân bằng giữa âm nhạc hàn lâm và âm nhạc dân tộc, giữa các nhạc cụ phương Tây và nhạc cụ truyền thống Việt Nam (đàn bầu, đàn T'rưng).

Nâng tầm ngoại giao văn hóa: Sáng tạo vượt 'vùng an toàn' - Ảnh 1.

Đoàn biểu diễn tại Phủ tổng thống Ý

NVCC

Chúng tôi diễn 3 chương trình, với 3 cách dàn dựng khác nhau phục vụ cho kiều bào và cho bạn bè quốc tế. Theo đó, nhiệm vụ ngắn gọn được đặt ra cho đoàn nghệ thuật là làm sao để lấy nước mắt của đồng bào và lấy được sự nể phục của bạn bè quốc tế.

Cả 3 chương trình đều kết bằng bài Việt Nam quê hương tôi (nhạc sĩ Đỗ Nhuận), với hình thức khác nhau: có bài piano đệm, có bài dàn dây cùng hòa tấu và tất cả các nghệ sĩ đều tham gia. Dàn dây gần như chơi chủ lực, có những bài dàn dây đánh độc lập.

Với chương trình đầu tiên tại thủ đô Vienna (Áo), thì đây như một món quà tinh thần Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dành tặng kiều bào, và mọi thứ diễn ra chuẩn chỉnh và trang trọng, được mọi người đón nhận rất tình cảm, nồng nhiệt.

Chương trình kế tiếp ở Áo, đoàn diễn trong khán phòng rất nổi tiếng - phòng hòa nhạc Haydn Saal trong lâu đài Esterhazy, bang Burgenland. Lâu đài này là nơi nhạc sĩ Áo Joseph Haydn - được gọi là "người cha của giao hưởng" - từng chủ trì các chương trình hòa nhạc.

Theo kế hoạch, chương trình này diễn ra 1 tiếng, nhưng đã kéo dài thành gần 2 tiếng vì quan khách rất chăm chú thưởng thức và chưa muốn kết thúc. Thật may khi đoàn chuẩn bị rất nhiều tiết mục nên đã đảm đương trọn vẹn thêm thời gian biểu diễn đấy.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có chia sẻ với đoàn nghệ thuật rằng trong lúc thưởng thức, ông Peter Doskozil, Thủ hiến bang Burgenland, bày tỏ sự ngạc nhiên, ấn tượng với trình độ và cách thể hiện của các nghệ sĩ Việt Nam, đặc biệt ông ngỏ lời mời nhạc trưởng nếu có cơ hội thì quay lại tham gia Festival Haydn (thường niên) của bang Burgenland.

Tiếp đó, đoàn biểu diễn trong Phủ tổng thống Cappella Paolina tại thủ đô Rome (Ý), với sự tham dự của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân, Tổng thống Ý Sergio Mattarella và con gái cùng nhiều quan chức cấp cao của hai nước. Những vị khách được mời vào Phủ tổng thống xem chương trình đều là giới tinh hoa của Rome và cũng có một số nghệ sĩ. Tại đây, tôi gặp lại nhạc trưởng Paolo Olmi - từng sang Việt Nam biểu diễn trong chương trình với HBSO năm 2022.

Khi Việt Nam tiếp đón các đoàn ngoại giao nước ngoài, nhạc mục thường sẽ như thế nào?

Trong các chương trình biểu diễn mà nghệ sĩ HBSO tham gia, chúng tôi nhận thấy nhạc mục vừa có cả nhạc Việt Nam và âm nhạc nước đối tác, đôi khi kết hợp với nghệ sĩ solo của nước bạn.

Chuyến đi vừa rồi, với 2 buổi diễn trước bạn bè quốc tế, cho thấy sự cân đối giữa âm nhạc 2 nước cũng như giữa nhạc truyền thống Việt Nam và âm nhạc cổ điển phương Tây. Mình mở màn bằng bài của nước bạn, rồi đến âm nhạc cổ điển châu Âu, và nhạc Việt Nam

Chẳng hạn hôm diễn ở Phủ tổng thống Ý, nhạc Việt Nam có Vũ khúc Tây Nguyên (Hoàng Đạm) do đàn T'rưng độc tấu, dàn nhạc thính phòng đệm hay Miền Nam quê hương ta ơi (Huy Du) do đàn bầu độc tấu với phần đệm của dàn nhạc thính phòng, và Việt Nam quê hương tôi.

Nâng tầm ngoại giao văn hóa: Sáng tạo vượt 'vùng an toàn' - Ảnh 2.

Hình ảnh buổi diễn tại khán phòng Haydn (Esterhazy, Áo)

Mạnh dạn sáng tạo

Sau chuyến biểu diễn, anh có "nghĩ nhiều hơn" về nghề - về loại hình nghệ thuật của mình?

Với cá nhân tôi, đây là chuyến đi hiệu quả nhất. Chúng tôi cảm nhận được sự quan trọng của công việc mình làm, rất cụ thể, như điểm nhấn. Là nghệ sĩ, đương nhiên mình sẽ thấy các chương trình biểu diễn của mình đều quan trọng, nhưng hình dung chung của chuyến đi này, cảm xúc để lại… có thể nói là ấn tượng.

Tôi nghĩ rằng, bên cạnh âm nhạc truyền thống Việt Nam, việc mạnh dạn đưa những loại hình nghệ thuật khác - cụ thể như âm nhạc hàn lâm cổ điển - ra thế giới, đảm nhận những trọng trách của quốc gia như vậy… thì đội ngũ nghệ sĩ đã sẵn sàng.

Trước đây "cán cân" hơi bị ngược, khi ra nước ngoài thường phải là âm nhạc dân tộc. Tất nhiên, không thể phủ nhận sức mạnh của âm nhạc dân tộc trong ngoại giao văn hóa, bằng chứng là khi tiếng đàn bầu và đàn T'rưng vang lên ở khán phòng - lâu đài cổ giữa châu Âu, chúng tôi rất tự hào. Nhưng lần này, sự kết hợp giữa âm nhạc hàn lâm và âm nhạc truyền thống Việt Nam đã cho thấy hiệu quả rất khác: mình biểu diễn bài của bạn, sau đó dùng nhạc cụ phương Tây đệm cho nhạc cụ truyền thống dân tộc mình, đều hay.

Tôi nghĩ, chính điều này mang lại sự bất ngờ và ngưỡng mộ của những ai có mặt hôm đấy... 

Tận tâm, sáng tạo

Trong thư khen gửi đến đoàn nghệ thuật sau chuyến đi, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng "biểu dương, đánh giá cao đoàn nghệ thuật do NSƯT Bùi Công Duy, Phó giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, làm trưởng đoàn, đã chuẩn bị công phu, trình diễn xuất sắc các chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Cộng hòa Áo và Cộng hòa Ý".

Chủ tịch nước trân trọng sự tận tâm, nghiêm túc, sáng tạo của các nghệ sĩ (thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc thính phòng Hà Nội, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TP.HCM, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long) đã kết nối tài tình âm nhạc hàn lâm và truyền thống Việt Nam trong các chương trình biểu diễn dành cho bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.