Sau khi Thanh Niên có bài phản ánh tình trạng ô nhiễm tại KCN Biên Hòa 1, Sở Tài nguyên-Môi trường Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nạo vét bùn thải tồn đọng để cải thiện môi trường sống.
Người dân bức xúc vì nước thải từ KCN Biên Hòa 1 sủi bọt trắng, bốc mùi hôi thối - Ảnh: Tiểu Thiên |
Sau bài viết “Khu công nghiệp chậm di dời, dân khốn khổ vì ô nhiễm” phản ánh tình trạng ô nhiễm tại KCN Biên Hòa 1, mới đây Sở Tài nguyên-Môi trường Đồng Nai có công văn phản hồi và cho biết đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nạo vét bùn thải tồn đọng để giảm mùi hôi, cải thiện môi trường sống cho người dân trong khu vực.
Theo báo cáo của Sở TN-MT Đồng Nai, tổng lượng nước thải phát sinh của KCN Biên Hòa 1 khoảng 5.178 m3 /ngày, trong đó 80 cơ sở đã thực hiện đấu nối, xử lý nước thải tại nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Biên Hòa 2 (nước thải của KCN Biên Hòa 1 được chuyển về xử lý tại nhà máy xử lý nước thải của KCN Biên Hòa 2 thông qua trạm bơm công suất 4.400m3/ngày). 12 doanh nghiệp đã có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng xả thải khoảng 3.826 m3/ngày, còn lại 4 doanh nghiệp chưa đấu nối nước thải xử lý với hạ tầng và chưa được cấp phép xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng khoảng 71m3/ngày.
Về thu gom xử lý khí thải, ông Đăng Minh Đức, Phó Giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai, cho biết hiện nay trong KCN Biên Hòa 1 có 52 cơ sở có phát sinh khí thải tại nguồn, trong đó 39 cơ sở đã có hệ thống xử lý khí thải, 13 cơ sở chưa có hệ thống xử lý khí thải (do sử dụng các nhiên liệu đốt ít gây ô nhiễm hoặc quy mô, công suất nhỏ). “Kết quả giám sát chất lượng không khí tại 13 vị trí trong KCN Biên Hòa 1 cho thấy các thông số không khí nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT”, ông Đức khẳng định.
Về mùi hôi phát sinh tại khu vực cầu Rạch Bùn, mùi nhựa cao su, bụi, khí thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất trong KCN, Sở TN-MT cho biết đã tổ chức đoàn đi khảo sát, kiểm tra. Theo đó, Sở TN-MT đã làm việc với Tổng Công ty phát triển khu công nghiệp (Sonadezi – đơn vị kinh doanh hạ tầng tại KCN Biên Hòa 1) khẩn trương thực hiện nạo vét bùn thải tồn đọng để giảm mùi hôi phát sinh và cải thiện môi trường sống của người dân trong khu vực.
Đồng thời kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án chuyên đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - dịch vụ - thương mại, trong đó lưu ý di dời Công ty TNHH Siêu Phàm ngay trong giai đoạn 2015-2017 để giảm tình trạng ô nhiễm không khí do công ty này gây ra và hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.
“Khai tử” KCN Biên Hòa 1 vào năm 2025
Theo báo cáo của Sở TN-MT Đồng Nai, KCN Biên Hòa 1 hiện có 107 doanh nghiệp đăng ký đầu tư (116 cơ sở), trong đó có 90 doanh nghiệp có hoạt động sản xuất (97 cơ sở) và 01 doanh nghiệp chưa triển khai. 16 doanh nghiệp đã ngưng hoạt động (18 cơ sở) và di dời đi nơi khác.
Về đề án chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành Khu đô thị- dịch vụ - thương mại, ông Đặng Minh Đức cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo (văn bản số 260/TTg-KTN ngày 27.2.2014) chấp thuận giao UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt đề án nêu trên. Ngày 12.8.2015, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản giao Tổng công ty Sonadezi hoàn thiện nội dung đề án.
“Việc di dời các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 được phân kỳ theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2015-2017) di dời 12 doanh nghiệp; giai đoạn 2 (2018-2021) di dời 37 DN và giai đoạn 3 (2022-2025) sẽ di dời toàn bộ 30 doanh nghiệp còn lại”, ông Đức cho hay.
KCN Biên Hòa 1 có diện tích 335 ha, được hình thành từ trước năm
1975 là KCN đầu tiên của miền Nam VN, tọa lạc tại P.An Bình, TP.Biên Hòa
(Đồng Nai). Một phần nguồn nước thải từ KCN này xả ra sông Đồng Nai bị ô
nhiễm với hàm lượng chất hữu cơ, DO chưa đạt quy chuẩn, N-NH4+, E.coli,
Coliform vượt quy chuẩn. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới
nguồn nước sạch cung cấp cho TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương...Việc di dời
KCN Biên Hòa 1 là hết sức bức thiết nhưng đề án vẫn diễn ra ì ạch do
số vốn đầu tư lớn, dự kiến hơn 12.000 tỉ đồng.
|
Bình luận (0)