Voyager 2, hiện cách Trái đất khoảng 18,5 tỉ km, đã hoạt động trở lại để tiếp tục sứ mệnh thu thập dữ liệu khoa học về hệ mặt trời và không gian liên vì sao.
Hồi tuần trước, NASA thông báo đang gặp trục trặc với Voyager 2, phi thuyền rời Trái đất từ thập niên 1970 và gần đây đã rời khỏi phạm vi hệ mặt trời để đi vào không gian liên vì sao.
Trong vài ngày qua, các kỹ sư đã tìm được cách ổn định lại con tàu, cho phép nó quay về hoạt động như bình thường, theo trang Digital Trends hôm 8.2.
“Các nhà vận hành sứ mệnh thông báo Voyager 2 tiếp tục được ổn định và hoạt động liên lạc giữa Trái đất và phi thuyền đã tốt đẹp”, theo NASA.
Việc chỉnh sửa con tàu ở khoảng cách trên không phải là chuyện dễ dàng: Mất đến 17 giờ để Trái đất gửi tín hiệu đến Voyager 2, vốn hiện là vật thể nhân tạo đang ở xa nhất trong không gian, và thêm 17 giờ nữa để nhận phản hồi từ phi thuyền.
Chuyện gì đã xảy ra cho Voyager 2?
Tàu du hành của NASA đã gặp trục trặc vào ngày 28.1 khi cơ quan Mỹ tiết lộ nó đột nhiên ngừng hoạt động mà không rõ lý do. Thế giới “nín thở” khi nghe thông tin này.
Voyager 2 ngưng hoạt động ngay trước khi chuẩn bị thực hiện động tác xoay 360o để điều chỉnh lại thiết bị đo từ trường trên tàu.
Tuy nhiên, phi thuyền đã không thực hiện chuyển động đó. Kết quả là cả hai hệ thống trên tàu vốn ngốn nhiều năng lượng đã vận hành cùng lúc, làm tiêu hao hết nguồn năng lượng của con tàu vào thời điểm đó.
Đứng trước nguy cơ cạn sạch năng lượng, phần mềm hệ thống tự động bật lệnh tắt các thiết bị khoa học để bảo vệ các chức năng thiết yếu nhất của Voyager 2.
Sau khi được điều chỉnh, Voyager 2 tiếp tục cuộc du hành đến các vì sao. Nó hiện cách Trái đất gấp hơn 122 lần khoảng cách từ Trái đất – mặt trời.
Bình luận (0)