NASA hủy dự án tàu thăm dò mặt trăng dù đã chi hàng trăm triệu USD

Khánh An
Khánh An
18/07/2024 08:50 GMT+7

NASA cho rằng số tiền phải chi thêm dành cho dự án tàu thăm dò mặt trăng VIPER sẽ dẫn đến việc phải hủy bỏ hoặc làm gián đoạn nhiều nhiệm vụ khác

NASA hủy dự án tàu thăm dò mặt trăng dù đã chi hàng trăm triệu USD- Ảnh 1.

Tàu thăm dò VIPER được lắp ráp tại Trung tâm Không gian Johnson ở Houston (Texas)

REUTERS

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 17.7 thông báo hủy một chương trình phát triển tàu thăm dò mặt trăng dù đã chi 450 triệu USD, với lý do dự án đội chi phí và nhiều lần bị trì hoãn.

Quyết định trên là một bước lùi lớn cho chương trình thám hiểm mặt trăng của NASA. Theo AFP, dự án tàu VIPER vốn định thám hiểm cực nam của mặt trăng nhằm tìm băng và các tài nguyên khác, mở đường cho sứ mệnh Artemis đưa người lên mặt trăng.

Bà Nicky Fox, quan chức tại bộ phận sứ mệnh khoa học của NASA thừa nhận rằng những quyết định như thế này không bao giờ dễ dàng. "Nhưng trong trường hợp này, số tiền phải chi thêm dành cho VIPER sẽ dẫn đến việc phải hủy bỏ hoặc làm gián đoạn nhiều nhiệm vụ khác", bà cho biết.

Rô bốt di động mà NASA hy vọng sẽ tiến vào các miệng núi lửa bị che khuất trên mặt trăng, nơi trữ lượng băng đã tồn tại hàng tỉ năm, ban đầu được lên kế hoạch phóng vào năm 2023.

Nhưng vào năm 2022, NASA quyết định hoãn phóng đến cuối năm 2024 để có thêm thời gian thử nghiệm trước chuyến bay của tàu đổ bộ Griffin, do công ty Astrobotic cung cấp theo chương trình Dịch vụ tải trọng mặt trăng thương mại (CLPS). Đây là một chương trình liên doanh công - tư.

Sau đó, kế hoạch phóng lại lùi đến tháng 9.2025, trong khi chi phí dự kiến sẽ tăng lên 609,6 triệu USD.

Artemis - sứ mệnh mặt trăng mới của NASA vì sao quan trọng?

Ông Joel Kearns, phó quản trị viên phụ trách thăm dò trong ban giám đốc sứ mệnh khoa học của NASA, nói thêm rằng Quốc hội Mỹ đã được thông báo về quyết định mới nhất.

Tàu thăm dò đã được "lắp ráp hoàn chỉnh", nhưng chưa trải qua một số thử nghiệm nhằm chứng nhận rằng nó có thể chịu được cuộc phóng, bay qua không gian và điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt, theo ông Kearns.

Tuy nhiên, ông cho biết tàu thăm dò vẫn có thể tái sử dụng trong các sứ mệnh tương lai, dù là dùng toàn bộ hay một phần, nếu NASA có thể đạt thỏa thuận phù hợp với các đối tác quan tâm.

Ông Kearns nhấn mạnh rằng dù có bước lùi, Mỹ sẽ không tụt hậu trong cuộc cạnh tranh không gian với Trung Quốc. Hồi tháng 6, Trung Quốc đã thành công đưa về những mẫu đầu tiên từ phía xa của mặt trăng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.