Tầng điện ly thuộc về khu vực thượng tầng của khí quyển trái đất, ở độ cao từ 80 đến khoảng 600 km so với bề mặt địa cầu. Đây là phần quan trọng của khí quyển, cho phép các tín hiệu vô tuyến được truyền đi đến những nơi xa xôi trên hành tinh chúng ta, theo NASA.
Độ dày mỏng của tầng điện ly thay đổi theo ngày và đêm, xuất phát từ tác động của bức xạ của mặt trời.
Để nghiên cứu tầng điện ly, NASA vào tháng 10.2018 đã phóng vệ tinh GOLD đến quỹ đạo địa tĩnh. Từ vị trí trên quỹ đạo, GOLD gần đây nghiên cứu 2 vùng điện tích dày đặc ở tầng điện ly, nằm ở phía bắc và nam đường xích đạo, trang Livescience hôm nay 7.7 đưa tin.
Vào ban đêm, những bong bóng xuất hiện bên trong 2 vùng này có thể can thiệp đường truyền sóng vô tuyến và tín hiệu GPS. Đặc biệt, hai vùng điện tích có thể sáp nhập và tạo nên hình X sau các cơn bão mặt trời hoặc những đợt phun trào núi lửa lớn.
Tuy nhiên, theo những quan sát mới, GOLD phát hiện một số cấu trúc hình X tương tự ở tầng điện ly, dù lúc đó không xảy ra bất kỳ sự kiện bão mặt trời hoặc núi lửa phun nào.
"Những báo cáo trước đó cho thấy cấu trúc hình X chỉ xuất hiện trong lúc xảy ra tình trạng hỗn loạn trường địa từ", theo nhà nghiên cứu Fazlul Laskar của Đại học Colorado (Mỹ). Ông là tác giả báo cáo được công bố trên chuyên san Geophysical Research: Space Physics mô tả những quan sát bất thường.
Bên cạnh những cấu trúc hình X, vệ tinh GOLD cũng phát hiện những cấu trúc hình C với khoảng cách gần nhau đến mức đáng ngạc nhiên.
"Việc quan trọng hiện giờ là phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại của các cấu trúc trên", theo một nhà nghiên cứu khác cũng thuộc Đại học Colorado là tiến sĩ Deepak Karan, tác giả báo cáo về hiện tượng bất thường đã đăng trên chuyên san Geophysical Research: Space Physics.
Các nhà nghiên cứu quan ngại những cấu trúc bí ẩn ở tầng điện ly có thể gây nhiễu hoàn toàn tín hiệu GPS và làm gián đoạn đường truyền vô tuyến ở trái đất.
Bình luận (0)