Đội ngũ đứng sau dự án Phương tiện phóng sao Hỏa (MAV) gần đây thử nghiệm hệ thống động cơ tầng một và tầng hai của tên lửa đẩy vận hành bằng nhiên liệu rắn.
Động cơ được quan sát trong môi trường chân không, mô phỏng nhiệt độ lạnh giá trên bề mặt sao Hỏa, theo Gizmodo hôm 15.8 dẫn thông tin từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
"Cuộc thử nghiệm cho thấy Mỹ có năng lực phát triển phương tiện phóng đủ nhẹ để đến được sao Hỏa và đủ mạnh mẽ để đưa các mẫu vật lên quỹ đạo hành tinh và chuyển về trái đất", ông Benjamin Davis, nhà quản lý chương trình đẩy MAV ở Trung tâm các chuyến bay không gian Marshall của NASA ở bang Alabama, cho biết.
Ông cho hay dữ liệu thu được từ vụ thử cho thấy công nghệ của NASA sẵn sàng bước sang giai đoạn kế tiếp của quá trình phát triển.
Đưa mẫu vật sao Hỏa về trái đất (MSR) là một trong những sứ mệnh phức tạp nhất được NASA tiến hành. Sứ mệnh có sự tham gia của phi đội tàu vũ trụ, bao gồm tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ, hai trực thăng và tên lửa đẩy đầu tiên xuất phát từ bề mặt của một hành tinh ngoài trái đất.
MAV là tên lửa đẩy 2 tầng, với hai động cơ rốc két vận hành bằng nguyên liệu rắn là SRM1 và SRM2. SRM1 sẽ đưa MAV rời khỏi bề mặt sao Hỏa, trong khi SRM2 được giao nhiệm vụ đưa tầng hai của tên lửa có thùng chứa mẫu vật lên quỹ đạo xung quanh hành tinh đỏ. Kế đến, tàu quỹ đạo quay về trái đất (ERO) chờ sẵn trên quỹ đạo sẽ tiếp cận và bắt lấy thùng chứa.
Để thử nghiệm MAV, đội ngũ kỹ sư đưa động cơ SRM1 vào buồng chân không với nhiệt động -20 độ C như môi trường ở sao Hỏa.
Mẫu vật thu thập từ sao Hỏa dự kiến quay về trái đất vào đầu thập niên 2030, dù sứ mệnh đang vấp phải trục trặc liên quan đến tài chính và có thể bị trì hoãn so với dự kiến.
Cảnh sao Hỏa hiện rõ trong ảnh màu vừa được NASA công bố
Bình luận (0)