NATO dự đoán ra sao về kết cục của xung đột Nga-Ukraine?

27/06/2022 08:36 GMT+7

Ngày 25.6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng xung đột Nga – Ukraine có thể sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận thương lượng.

Tuy vậy, ông nói điều này không đồng nghĩa với việc phương Tây nên ngừng gửi vũ khí cho Kyiv hoặc giảm áp lực trừng phạt đối với Moscow.

Trả lời báo El Pais của Tây Ban Nha, ông Stoltenberg thừa nhận chiến thắng quân sự không phải là một kết cục khả dĩ.

Ông nói: “Rất có thể là cuộc chiến này sẽ kết thúc trên bàn đàm phán. Trách nhiệm của chúng tôi là đảm bảo Ukraine có vị thế mạnh nhất có thể và giúp nước này vẫn là một quốc gia châu Âu độc lập, có chủ quyền”.

Tổng thư ký NATO nhấn mạnh cách tốt nhất để củng cố vị thế của Kyiv trong các cuộc đàm phán với Moscow là “cung cấp hỗ trợ quân sự và kinh tế mạnh mẽ, đồng thời thúc đẩy các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga”. Tuy nhiên, ông Stoltenberg từ chối cho biết thời điểm Nga và Ukraine có thể đàm phán.

Ông cho hay: “Luôn có thể đạt được hòa bình nếu đầu hàng. Tuy nhiên, Ukraine đang đấu tranh cho tự do của mình... và người Ukraine sẵn sàng trả một cái giá rất cao, hy sinh bản thân cho giá trị này. Chúng tôi không có quyền yêu cầu họ phải hy sinh đến mức nào”.

Ukraine sẽ “dùng xẻng chiến đấu” nếu phương Tây không gửi vũ khí

Khi được hỏi liệu việc phương Tây trang bị vũ khí cho Kyiv có đang khiến xung đột leo thang và gia tăng tổn thất nhân mạng ở Ukraine hay không, lãnh đạo NATO nói “chúng tôi giúp họ vì họ yêu cầu điều đó”.

Tổng thư ký NATO cũng lưu ý dù EU và Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine, “hoàn toàn không có chiến tranh giữa NATO và Nga”.

Moscow đã nhiều lần cảnh báo về các lô vũ khí nước ngoài cung cấp cho Kyiv, cho rằng chúng chỉ kéo dài giao tranh và gia tăng nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

Hồi tháng 4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã mô tả xung đột ở Ukraine là một cuộc chiến ủy nhiệm vì NATO đang chống lại Moscow.

Phái đoàn Nga và Ukraine ở nhiều cấp khác nhau đã tổ chức nhiều vòng đàm phán hòa bình ngay sau khi xung đột nổ ra. Tuy nhiên, sau vòng đàm phán ở Istanbul hồi tháng 3, 2 bên đã ngừng gặp nhau trực tiếp.

Ban đầu, Moscow tỏ ra lạc quan về kết quả các cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sau đó lại cáo buộc Kyiv phá vỡ các thỏa thuận đạt được, đồng thời tuyên bố mất hết lòng tin vào các nhà đàm phán Ukraine.

Tổng thống Zelensky: Đã mất mát quá nhiều, Ukraine không thể nhượng bộ lãnh thổ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.