Không quân các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mới đây đã điều lực lượng tới Phần Lan để thực hành cất cánh và hạ cánh trên đường cao tốc, một kỹ năng mà Helsinki đã được huấn luyện kể từ Chiến tranh Lạnh.
Theo tờ Business Insider, việc tập trung vào các hoạt động trên đường cao tốc phản ánh mối quan tâm mới của NATO là phân tán máy bay và nhân sự, để tránh các cuộc tấn công mà đối thủ có thể triển khai vào các căn cứ quân sự của liên minh.
NATO củng cố không quân
Nỗi lo nơi tập trung binh lực bị tấn công ngày một lớn hơn trong nội bộ NATO, trong bối cảnh Ukraine và Nga sử dụng rộng rãi tên lửa tầm xa và máy bay không người lái (UAV), để nhắm vào các căn cứ không quân.
Lực lượng không quân Anh và Na Uy là những lực lượng mới nhất tham gia huấn luyện ở Phần Lan. Trong tháng 9, các nước này đã cử một số máy bay chiến đấu Typhoon và F-35A tham gia Baana, cuộc tập trận thường niên của Không quân Phần Lan.
Đây cũng là lần đầu tiên các máy bay Typhoon của Anh và F-35A của Na Uy cùng diễn tập hạ cánh và cất cánh trên con đường băng ở miền trung Phần Lan.
Tiêm kích F-35A lần đầu tiên hạ cánh trên đường cao tốc
Đối với Anh, khóa huấn luyện là một phần trong mục tiêu đảm bảo khả năng chiến đấu linh hoạt. Đây là một khái niệm về hoạt động mà trong đó các máy bay phản lực và phi công di chuyển khỏi căn cứ chính của họ trong thời gian ngắn để tránh đối thủ và sống sót sau một cuộc tấn công, "sau đó tiếp tục phân tán đến các địa điểm xa xôi và tiếp tục hoạt động với sự hỗ trợ tối thiểu".
Trong khi đó, Thiếu tướng Rolf Folland, chỉ huy Lực lượng Không quân Hoàng gia Na Uy, cho biết việc có thể hoạt động từ các sân bay nhỏ và đường cao tốc "làm tăng khả năng sống sót của chúng tôi trong chiến tranh".
Theo ông Folland, việc sử dụng các đường cao tốc thẳng và rộng có nghĩa là Na Uy có thể phát triển hơn nữa khái niệm phân tán. Mục đích của ý tưởng này là khiến đối thủ gặp khó khăn trong việc tiêu diệt máy bay khi chúng ở trên mặt đất.
Trong nỗ lực khác của Không quân NATO nhằm củng cố lực lượng, nhất là ở biển Đen, Mỹ trong tuần trước đã triển khai 4 máy bay chiến đấu F-16C Block 50 Fighting Falcon tới căn cứ không quân ở Borcea, Romania.
Theo Bộ Quốc phòng Romania, quân đội Mỹ sẽ tiến hành các nhiệm vụ kiểm soát trên không tăng cường cũng như các nhiệm vụ huấn luyện chung với máy bay quân sự và F-16 Fighting Falcon của không quân Romania. Các hoạt động kiểu này giúp cải thiện khả năng phản ứng và răn đe cũng như cải thiện khả năng tương tác giữa không quân 2 nước, trang Nation World News đưa tin.
Quan chức Lầu Năm Góc: Ukraine là "phòng thí nghiệm đối mới quân sự"
Nga thúc đẩy sản xuất linh kiện trong nước?
Hạ cánh trên đường cao tốc không phải là điều mới mẻ. Lực lượng không quân NATO đã thực hiện điều này trong Chiến tranh Lạnh, song nó đã nhận được nhiều sự chú ý hơn giữa lúc Nga đang đầu tư để sản xuất các bộ phận tên lửa trong nước.
Phát ngôn viên Hải quân Ukraine Dmytro Pletenchuk ngày 26.9 nói rằng có khoảng 30 đến 50 bộ phận trong tên lửa Nga được sản xuất bên ngoài nước này. Tuy nhiên, do tác động từ các lệnh trừng phạt từ phương Tây, Moscow đang cố gắng giảm phụ thuộc vào linh kiện bên ngoài để tránh rơi vào thế bị động.
Ông Pletenchuk nói thêm rằng các lệnh trừng phạt cũng khiến Nga hạn chế sử dụng động cơ do Đức sản xuất trên tàu hải quân. Moscow cũng đang có kế hoạch sản xuất những động cơ này trong nước để đảm bảo nguồn cung.
Bình luận (0)