Ẩm thực
Nửa thế kỷ quán bún thịt nướng trong hẻm nhỏ Nguyễn Huệ
Gần 60 năm qua, có một quán bún thịt nướng chả giò vẫn bền bỉ tồn tại trong một lối đi nhỏ giữa khu vực sầm uất và sang trọng bậc nhất Sài Gòn. Quán không có biển hiệu, nằm sâu phía trong số nhà 88 đường Nguyễn Huệ (quận 01), lối vào phải đi ngang qua một phòng tranh. Đằng sau phòng tranh này chính là không gian ăn uống và bếp của quán, trông cũ kỹ và đơn sơ như bao căn nhà xưa cũ thường thấy ở khu trung tâm. Nếu bạn đi vào quán từ đường Đồng Khởi thì hãy thẳng tiến từ số nhà 151, đi vào hết đường sẽ gặp quán. Vì không có bảng hiệu, lại nằm khuất nẻo như vậy nên thực khách chủ yếu là người quen ăn đã vài chục năm nay. Chủ quán là bà Hoàng Thị Thêm, người gốc Hà Bắc (tên gọi trước đây khi hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang) di cư vào Sài Gòn và mở gánh bún chả lề đường Nguyễn Huệ từ những năm 1960s. Về sau này, bà Thêm đã uyển chuyển biến món bún chả này thành một kiểu ăn bún phổ biến ở miền Nam: bún thịt nướng chả giò.
Ẩm thực
Quán Huế ngon bên hông chợ Tân Định
Đi ăn đồ Huế dường như được mặc định là "ăn nhiều", đồng nghĩa với việc bạn phải gọi rất nhiều món (và tất nhiên đi từ 2 người trở lên sẽ có dịp thưởng thức nhiều hơn) . Nó cũng khác biệt so với việc chỉ ăn một tô phở, hủ tiếu hay dĩa cơm tấm ở một góc nhỏ nào đó của Sài Gòn. Ăn món Huế là phải chậm, nhẩn nha một chút, mới thấy hết cái ngon, của vị tinh túy mà người nấu muốn gửi gắm. Mở đầu thường là những món bánh Huế thân thuộc như bánh bèo, bánh nậm, bột lọc nhân tôm, bánh ướt tôm chấy... ăn kèm với nem và chả. Để chắc bụng hơn thì gọi thêm bánh ướt thịt nướng hay hến xúc bánh tráng. "Đoạn cuối" thường là một tô bún bò, bánh canh, nhẹ hơn có thể là một tô bún mắm nêm chẳng hạn. Nhiều vậy nhưng lại chẳng thấy no hay ngán. Mà cứ thòm thèm, tuần sau lại í ới đi ăn tiếp.
Món ngon Hà Nội
Hồ Tây: Nguyên bản bánh tôm xưa
Bánh tôm - tên gọi thân thuộc mà người Sài Gòn thường dùng để gọi loại bánh giòn rụm nhân tôm ăn kèm với bánh ướt hay bánh cuốn. Tuy nhiên tôi nghĩ ở đây do thói quen mà thành, chứ chính xác loại bánh ăn kèm này gọi là bánh đậu mới đúng. Còn bánh tôm thì phải đúng loại bánh tôm Hồ Tây trứ danh của ẩm thực Hà thành. Nguyên liệu bánh tôm Hồ Tây nghe qua thoạt tưởng rất đơn giản, chỉ bao gồm bột mì, khoai lang thái chỉ (sợi) và tôm. Chiên xong bánh được để ráo mỡ, ăn nóng kèm với rau sống và loại nước chấm chua cay mặn ngọt đặc trưng. Đơn giản là vậy nhưng để có được loại bột mì ngon người làm bánh phải có bí quyết chưng cất và pha chế các gia vị sao cho hài hòa nhất. Tôm sau khi được bọc bột mì cho vào chảo mỡ nóng. Chiên sao cho ra một miếng bánh tôm “đạt chuẩn” cũng là điều không hề dễ dàng. Quá lửa thì bánh dễ bị cháy, còn nếu non quá bánh sẽ bị ngấm dầu, ăn vào rất mau ngán. Khi chín, bánh phồng lên và có màu vàng tự nhiên của bột mì và khoai lang, màu đỏ ửng của tôm tươi cùng mùi thơm quyến rũ đặc trưng mà hầu như ta không thể tìm thấy ở các món khác. Trong tiết trời lạnh lẽo của Hà Nội, chẳng phải Thạch Lam cũng từng ngẩn ngơ “nhìn cái bánh bột vàng dần, vàng dần, con tôm co lại, nhát khoai nở ra, và cái bánh hơi cong lên như nóng nảy muốn nằm ra đĩa” đó sao (trích “Hà Nội 36 phố phường”)?
Ẩm thực