Mùa bóng 2012 chưa kết thúc, nhưng bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh (EPL) của 3 năm tới, với sự hiện diện của kẻ “lạ mặt” IMG, đã nóng trên các trang báo VN!
“Huynh đệ” tương tàn ?
Cách đây gần 2 năm, khá may mắn khi chúng tôi được có mặt trong “phái đoàn” đàm phán của một đài truyền hình với Sport Five (S5) - đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình (BQTH) giải vô địch bóng đá châu Âu Euro 2012 tại VN. Lúc đó đang xảy ra cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các đơn vị truyền hình ở VN để có bằng được bản quyền giải đấu 4 năm mới diễn ra một lần này. Nắm bắt được tâm lý ấy, S5 hẹn gặp tất cả các đài có nhu cầu. Nhưng không phải là cuộc họp chung mà riêng lẻ từng đài một. Cũng chẳng thèm úp mở, đại diện S5 nói rất “phũ” theo kiểu “nắn gân”, nếu anh không mua ngay thì đã có đài khác sẵn sàng nhảy vào. Sau gần 3 giờ đồng hồ thương lượng, cò kè, hai bên đứng dậy ra về mà không đạt được kết quả như mong đợi. Phía VN không chấp thuận cái giá quá khủng mà S5 yêu cầu. Và năm đó, các đài đi đến quyết định là không “chiến đấu” với nhau nữa mà đồng ý để Đài truyền hình VN - VTV đứng ra đàm phán. Cuối cùng, VTV mua được với giá chỉ bằng một nửa mức giá ban đầu của S5 và chia sẻ lại cho VTC lẫn HTV.
Khả năng cái cách mà IMG định gặp mặt các đài ở VN để “xử lý” món BQTH EPL sẽ giống hệt cách S5 đã làm. Nghĩa là tiếp xúc với từng đài, để mỗi đài không thể biết đối thủ của mình mua gói nào, giá cả ra sao. Và dĩ nhiên, trong hoàn cảnh tranh tối tranh sáng như thế, IMG là kẻ lợi nhất. Lãnh đạo một đơn vị truyền hình than thở: “Chúng tôi không hề mong muốn, thậm chí rất sợ lại xảy ra cảnh “huynh đệ tương tàn” giữa các đài với nhau. Hoặc chúng ta cùng bắt tay để mua cùng một gói, sau đó chia lại theo tỷ lệ thuê bao. Hoặc “đoạn tuyệt” hẳn với EPL. Nhưng rõ ràng, nếu làm được như hồi Euro 2012 thì không những không bị đối tác nước ngoài ép giá mà các đài cũng cảm thấy thoải mái, để được phục vụ các đối tượng khán giả riêng của mình. Cho đến giờ phút này, chưa có tín hiệu phát ra từ VTV muốn liên kết với các đơn vị khác, ngoại trừ kế hoạch sẽ chỉ đàm phán cho 3 kênh truyền hình trả tiền là các doanh nghiệp của đài. Chúng tôi chờ hồi âm thiện chí từ VTV cũng như các đơn vị khác”.
Ông Lê Văn Phú, Trưởng ban Thể thao HTV TP.HCM, cho hay: “Lãnh đạo HTV chưa có chủ trương cụ thể về vấn đề BQTH EPL vì thời gian còn dài. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm là sẽ không chạy đua với các đơn vị khác. Trong trường hợp HTV có được BQTH EPL 3 mùa tới, HTV sẽ phát trên các kênh quảng bá để phục vụ rộng khắp và khán giả không phải trả tiền cũng có thể xem được EPL. Nhưng chắc chắn, các kênh trả tiền lớn của VTV sẽ nhảy vào cuộc và dĩ nhiên, nhà cung cấp như IMG sẽ luôn ưu tiên chọn các kênh trả tiền bán trước vì bán gói kênh quảng cáo bao giờ cũng rẻ hơn. Chỉ khi nào thu đủ lợi nhuận được ở kênh trả tiền xong, họ mới kiếm thêm chút đỉnh ở kênh quảng bá”.
Nên mua với giá nào ?
Chưa biết bài toán kinh tế sẽ được IMG giải ra sao khi trong bối cảnh suy thoái toàn cầu như hiện nay mà dám chi tới 35 triệu USD để mua BQTH ở một thị trường mà IMG chưa từng xâm nhập. Một kênh truyền hình thể thao nước ngoài, đối tác của IMG trong nhiều năm qua, đã nói với PV Thanh Niên rằng tiềm lực IMG cực mạnh nên họ sẵn sàng chịu lỗ để có những phương án kinh doanh mang tầm chiến lược ở VN, không loại trừ cả khả năng sẽ hợp tác với VTV để chia sẻ quảng cáo hoặc một kế hoạch nào đó khác.
Nhưng đó là việc của IMG, không thể đưa ra lời khẳng định quá sớm là IMG sẽ chịu lỗ. Điều người dân VN quan tâm là giá BQTH sẽ được bán lại với mức thế nào? Hầu hết các đài đều bày tỏ nhất định sẽ không mua với giá cao. Theo ông Trần Văn Úy, Tổng giám đốc SCTV (cũng thuộc VTV), vì IMG có hướng chia thành các gói để bán nên SCTV sẽ phải tính toán, cân nhắc thận trọng. Còn đại diện K+ nói: “Chúng tôi vẫn đã và sẽ tiếp tục hợp tác với VTV, và đã chuẩn bị cho đợt đàm phán tiếp theo để mua với mức giá hợp lý”.
Theo gợi ý của Hiệp hội Truyền hình trả tiền VN, chỉ nên mua cao hơn 10 - 15% số tiền 19,5 triệu USD mà các đài mua lại từ MP&Siva cho 3 mùa vừa qua. Nghĩa là vào khoảng hơn 21 đến 23 triệu USD. Và với số tiền quá lớn đó, đúng là giải pháp hợp tác để mua chung rồi chia sẻ, sẽ là giải pháp tốt. Hoặc thậm chí, nói như một quan chức của một kênh trả tiền: “EPL có nên tồn tại ở VN nữa hay không khi nó ngốn tới 300.000 USD chỉ cho một vòng đấu?”.
Lan Phương
>> Bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh: Các đài VN quyết không mua giá cao
>> Ngoại hạng Anh có thể “mất sóng’’ ở VN
>> Bản quyền Ngoại hạng Anh: Chưa thống nhất bên mua
>> Nếu giá BQTH giải Ngoại hạng Anh cao quá thì tẩy chay!
>> Real của Ngoại hạng Anh
Bình luận (0)