Nên chuẩn hóa chứ không nên thay đổi

27/11/2017 08:39 GMT+7

Đề xuất cải cách chữ viết tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, tiếp tục gây tranh luận trong giới chuyên môn .

Cần chuẩn hóa ở cấp quốc gia

Tiếng Việt  chúng ta cũng có nhiều cái chưa chuẩn hoá. Người Hà Nội thì phát âm như nhau những từ bắt đầu bằng r hay d, s hay x. Khi chúng tôi đi dạy tiếng Việt ở trình độ bắt đầu thì thường phát âm đúng là s. Nhưng sau khi học lên cũng giải thích với họ có các phương ngữ Bắc- Trung- Nam như thế, người Bắc nói là x nhưng người miền Trung phát âm s rất rõ. Theo tôi thì nên chuẩn hóa rõ việc i hay y, rồi d-r, g hay gh… Cần chuẩn hóa và thống nhất cái đó để trẻ học hoặc người nước ngoài học thuận tiện hơn. Việc chuẩn hoá cũng nên được đặt ra một cách chính thức ở cấp nhà nước chứ không chỉ ở phạm vi hội thảo, các đề tài khoa học Còn việc thay đổi như ông Hiền đưa ra tôi thấy không cần thiết.

Tiến sĩ  NGUYỄN HẢI VÂN

Chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt,  Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội)

 

Chữ quốc ngữ cũng đã thay đổi nhiều theo thời gian

Cuốn sách Phép giảng Tám ngày của A.De Rhodes được coi là cuốn sách in bằng chữ quốc ngữ đầu tiên xuất bản năm 1651. Hiện nhà thờ Mằng Lăng ở Phú yên vẫn còn lưu giữ bản xuất bản đầu tiên của cuốn sách này. Bản in sau này có thêm phần "dịch" sang tiếng Việt hiện nay. Gọi là dịch vì nếu đọc bản đầu tiên sẽ khó hiểu, thậm chí không hiểu gì vì các phụ âm đầu  rất khác bây giờ. Có phần “dịch” sang tiếng Việt thì đọc mới hiểu. Chẳng hạn, sách viết “fau đó” chứ không phải “sau đó”, “vì bày” chứ không phải “vì vậy”, “nhẽo” chứ ko phải “nhiều”, “Fou' lâu” chứ không phải “sống lâu”, “viẹ” chứ ko phải “việc”, “tlaú kho” chứ không phải “trong kho, “blời” chứ không phải “trời”....

Đó là một trong những ví dụ để thấy từ lúc chữ quốc ngữ hình thành đến nay cũng thay đổi rồi. Là người chuyên đọc báo chí trước 1945, tôi thấy tiếng Việt trên báo chí đầu thế kỷ 20 với tiếng Việt chuẩn ngày nay cũng khác nhau ít nhiều về mặt chính tả. Không khác nhau quá nhiều nhưng so với chuẩn chính tả bây giờ thì có từ khác. Báo chí xuất bản ở miền Nam những năm 1920 cũng phải luận ra chứ không đọc  như hiện nay. Trên báo Lục tỉnh tân văn chẳng hạn, có chỗ thì viết là từ “tẩy chay”, có lúc lại viết là “tẩy chai”. Thậm chí bạn tôi viết bài về Đông dương tạp chí khi trích dẫn lại bị tưởng không biết viết tiếng Việt, tại sao lại viết sai chính tả nhiều như thế.

Tiến sĩ  ĐẶNG THỊ VÂN CHI

Khoa Tiếng Việt,  Trường ĐH  Khoa học xã hội &nhân văn  (ĐH Quốc gia Hà Nội)

Bàn nhiều lần rồi mà vẫn  không giải quyết được

Chữ quốc ngữ của mình hợp lý. Có một vài cái tưởng là bất hợp lý nhưng mà nó có quy tắc cho nên không ai nhầm lẫn cả. Cũng đã có mấy cuộc họp về cải tiến chữ quốc ngữ nhưng mà cuối cùng cũng không giải quyết được.

Trên thế giới không có một hệ thống ngôn ngữ nào hoàn hảo. Vì ngôn ngữ viết thì bảo thủ, còn ngữ âm của ngôn ngữ thì luôn phát triển, biến đổi cho nên giữa âm và chữ nhiều khi có sự không tương hợp với nhau. Cho nên là đối với chữ Quốc ngữ của mình quá là hợp lý rồi. Một vài cái PGS –TS Bùi Hiền bảo bất hợp lý nhưng mà mấy cuộc cải tiến quốc ngữ đã bàn bạc rồi, nhưng không cải cách được. Ví dụ như  bàn thay chữ d bằng chữ z… cũng đã bàn rồi. Có mấy hội nghị cải tiến chữ Quốc ngữ rồi nhưng không cải cách vì thấy không cần thiết.

Một GS  ngôn ngữ học

 

 Trinh Nguyễn  (ghi) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.