Nên có quy định riêng về thuế với báo chí

13/11/2014 06:06 GMT+7

Việc xây dựng, sửa đổi luật Báo chí cần cố gắng tránh luật “khung”, luật “ống” nhưng phải đảm bảo luật giữ được tương đối ổn định trước xu thế phát triển công nghệ hiện nay mà báo chí là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất.

 
Các tờ báo phục vụ nhiệm vụ chính trị thì nên được giảm thuế tối đa - Ảnh:NngọcThắng

Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết 15 năm thi hành luật Báo chí do Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) tổ chức hôm qua 12.11, tại Hà Nội. Hội nghị được tổ chức nhằm phục vụ công tác xây dựng luật Báo chí thay thế luật Báo chí năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Báo chí năm 1999.

Theo Phó thủ tướng, việc sửa đổi, bổ sung luật Báo chí hiện hành cần xem luật đáp ứng được yêu cầu đến đâu, điều gì thuộc phạm vi bất cập của luật Báo chí, điều gì là bất cập của các luật khác. Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng lưu ý việc sửa luật cần tham chiếu đến xu hướng phát triển của truyền thông thế giới. “Sửa luật để báo chí phát triển mạnh mẽ hơn, đảm bảo cho báo chí góp phần để nhân dân thực thiện tốt hơn quyền của mình”, Phó thủ tướng khẳng định.

Có hiện tượng tư nhân chi phối báo chí

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son, qua 15 năm thi hành, luật Báo chí đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do ngôn luận trên báo chí được đảm bảo và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động báo chí và công tác quản lý nhà nước về báo chí cũng còn những hạn chế, bất cập như chất lượng chưa tương xứng, chồng chéo về tôn chỉ, mục đích, nội dung; có xu hướng “thương mại hóa” trong hoạt động báo chí; có hiện tượng tư nhân chi phối báo chí và điều này đã làm giảm chất lượng chính trị, văn hóa, khoa học, nghiệp vụ của báo chí. Báo cáo tổng kết của Bộ TT-TT cũng cảnh báo tình trạng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí ngày càng gia tăng, chủ yếu đối với báo điện tử, báo hình. Nhiều vụ việc báo điện tử, trang tin điện tử tổng hợp tự ý lấy tin, bài, hình ảnh của báo khác mà không xin phép, không dẫn nguồn...

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Đầu tư nhắc chuyện cơ chế thành lập tập đoàn báo chí từng được nêu nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Theo ông Tuấn, đây là xu hướng tất yếu của thế giới do vậy nên có quy định về vấn đề này. Ông Tuấn cũng đề nghị đưa vào ban soạn thảo luật các lãnh đạo cơ quan báo chí vì họ là đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật.

Theo ĐBQH Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH, kết quả giám sát thực hiện luật Báo chí của ủy ban cho thấy có nhiều bất cập như tình trạng thương mại hóa báo chí gia tăng, xâm phạm đời tư, thông tin trùng lặp phổ biến... Theo ông Tiến, đáng lưu ý là tình trạng tư nhân đầu tư chui, núp bóng tại nhiều tờ báo. Việc thi hành luật Báo chí theo ông Lê Như Tiến vẫn còn có những hạn chế. Cụ thể một số địa phương, đơn vị, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về báo chí, né tránh hoặc tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí. Nhiều trường hợp cản trở tác nghiệp báo chí, thu giữ, phá hủy phương tiện làm việc của phóng viên, nhà báo, thậm chí nhiều trường hợp quá khích hành hung nhà báo.

ĐB Tiến cũng đề nghị nên có quy định riêng về thuế với báo chí. Các tờ báo phục vụ nhiệm vụ chính trị thì nên được giảm thuế tối đa, các báo phục vụ giải trí thì nên có mức thuế khác, đồng thời có cơ chế tài chính hỗ trợ các báo làm nhiệm vụ chính trị. Theo ĐB Tiến, mới chỉ có báo in được áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 10%, còn những loại hình báo chí khác vẫn ở mức 25%.

Trường Sơn

>> Năm 2011, thực hiện khai thuế trực tuyến cho khoảng 40.000 doanh nghiệp
>> TP.HCM chậm khai thuế qua mạng
>> Chưa thể khai thuế thuê
>> Thí điểm nộp hồ sơ khai thuế qua Internet 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.