(TNO) Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT Telecom cho biết sự cố đứt cáp quang biển AAG (Asia Gateway Pacific) vào ngày 15.9 ảnh hưởng rất lớn tới mạng innternet ở Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông nói nên coi sự cố đó là chuyện bình thường vì ở nhiều nước việc đứt cáp quang biển thường xuyên xảy ra.
|
“Do điều kiện hạ tầng viễn thông Việt Nam chưa đáp ứng kịp nhu cầu sử dụng nên khi cáp đứt ảnh hưởng lớn đến đường truyền. Sắp tới một tuyến cáp biển mới được hoàn thành, các nhà mạng Việt Nam sẽ có nhiều lựa chọn và sự cố như trên sẽ sớm được khắc phục”, ông Khoa nói.
Khắc phục rất phức tạp
- Việc đứt cáp quang biển quốc tế AAG (Asia Gateway Pacific) ảnh hưởng như thế nào đến lưu lượng đường truyền internet ở Việt Nam?
AAG tuyến cáp quang mới nhất mà các nhà mạng Việt Nam sử dụng. Hiện Việt Nam có bốn tuyến cáp quang là TVH được đầu tư cách đây hơn 15 năm, tuyến MW3 có hơn 10 năm, tuyến IA và cuối cùng là AAG. Dung lượng của tuyến AAG lớn nhất, thậm chí lớn hơn tất cả ác tuyến cáp khác cộng lại. Tôi lấy ví dụ thế này cho dễ hình dung. Tuyến AAG giống như quốc lộ 51 từ TP.HCM đi Vũng Tàu. Nếu quốc lộ này thông thoáng thì không sao nhưng nếu vì lý do gì đó hư hỏng khiến xe cộ từ TP.HCM xuống Vũng Tàu bị nghẽn lại. Người dân thay vì đi quốc lộ 51 phải tìm các đường khác để đi xuống Vũng Tàu. Xe vẫn đi được tới Vũng Tàu nhưng chậm hơn thôi.
|
Do AAG có dung lượng kết nối internet lớn nhất, chiếm hơn 50 % dung lượng ở Việt Nam nên khi có sự cố, người sử dụng dễ nhận biết nhất. Đây cũng là cáp được đầu tư, xây dựng theo công nghệ mới nhất hiện nay.
- Tuyến cáp biển AAG đi qua nhiều nước, nhiều vũng lãnh hải của nhiều nước. Việc khắc phục khi hư hỏng có khó khăn không?
Khi cáp quang bị đứt hay có sự cố, việc khắc phục rất phức tạp. Hiện chỉ có một vài công ty lớn trên thế giới sửa chữa được cáp quang biển. Khi phát hiện ra điểm đứt, các nhà khai thác phải xác minh, khoanh vùng điểm bị đứt. Sau đó đơn vị điều hành sẽ gửi thông báo tới các hãng tàu sửa chữa cáp biển để điều tàu tới. Muốn vào vùng biển nước nào, hãng tàu phải gửi công văn đến chính phủ sở hữu vùng biển đó... Khi đưa tàu đến điểm đứt, đơn vị sửa chữa sẽ phải cho người hay rô bốt lặn xuống tìm đúng điểm đứt. Cái khó là dù phát hiện ra điểm đứt thì thợ cũng không thể lặn xuống biển để hàn được mà phải xả hai đầu cáp dự trữ để tăng độ dài, rồi đưa cáp lên tàu hàn nối lại.
Việc sửa cáp có khi còn phụ thuộc vào thời tiết. Có những trường hợp tàu đến nơi bị đứt cáp nhưng thời tiết quá xấu, gặp bão khiến tàu rung lắc mạnh không thể sửa sửa chữa được.
Cáp đứt do neo của tàu bè
- Như ông nói việc xây dựng các tuyến cáp quang biển được nghiên cứu, tính toán rất kỹ và tốn kém chi phí nhưng việc đứt cáp vẫn hay xảy ra. Vậy nguyên nhân đứt cáp quang biển thường do đâu?
Đứt cáp thường là do tàu. Tôi nói như vậy bởi đa phần các tàu bỏ neo xuống nhưng khi di chuyển không kéo lên hết mà để neo lơ lửng trong lòng biển. Khi tàu chạy, neo sẽ dễ vướng vào cáp quang dù các tuyến cáp quang đều có phao hay dấu hiệu nhận biết để tàu bè tránh. Nếu để ý kỹ đa phần đứt cáp đều diễn ra ở gần bờ, khu vực nước cạn và tàu bè đi lại đông. Thậm chí ở Việt Nam cách đây mấy năm còn bắt được vụ cắt cáp quang biển đi bán đồng nát.
|
- Trong thời gian chờ khắc phục, FPT sẽ có biện pháp gì xử lý sự cố, nhằm duy trì đường truyền cho người sử dụng?
Hiện các nhà mạng đều sử dụng tuyến cáp biển và cáp đi qua đất liền. Khi cáp biển bị đứt, các nhà mạng phải thuê băng thông ứng cứu trên đất liền với giá rất đắt, có khi giá thuê gấp 3 lần so với bình thường.
Hạ tầng viễn thông chưa theo kịp
- Ngoài các nhà mạng thiệt hại thì bị ảnh hưởng nhất vẫn là người sử dụng?
Hiện sự cố đứt cáp không gây ra tình trạng tê liệt như từng xảy ra mà việc truy cập mạng sẽ chậm hơn thôi. Các nước phát triển như Singapore, Nhật Bản…, mỗi nước có hơn 10 tuyến cáp quang biển nên đứt tuyến này họ dùng tuyến khác. Còn ở Việt Nam mới phát triển ngành viễn thông, dự án cáp biển lại rất tốn kém, kéo dài mà tốc độ phát triển internet rất nhanh nên cơ sở hạ tầng chưa theo kịp nên khi bị đứt cáp dễ bị ảnh hưởng. Trong thời gian tới tuyến cáp quang mới APG (Asia Pacific Gateway) được đưa vào sử dụng, tình trạng đứt cáp sẽ bị được khắc phục. Đứt cáp này ta dùng cáp khác thay thế.
- Hiện nay tiến độ xây dựng tuyến cáp quang biển APG như thế nào?
Đáng lẽ năm nay tuyến cáp quang APG sẽ kết nối với Việt Nam nhưng do một số lý do tiến độ xây dựng bị chậm đến năm 2015 thậm chí đầu năm 2016... Tổng dung lượng của APG tương đương hoặc lớn hơn AAG một chút.
Khi xây dựng, các nhà đầu tư, thi công đều muốn và chọn cho mình phương án tối ưu nhất nhưng khi sử dụng lại có nhiều tình huống phát sinh rủi ro sau này. Nên việc cáp quang biển bị đứt là hết sức bình thường trong viễn thông. Như Nhật Bản, Đài Loan khi có động đất đứt 4-5 tuyến một lúc nhưng do họ có nhiều tuyến thay thế nên ít bị ảnh hưởng. Còn Việt Nam đang có ít tuyến cáp quang nên khi đứt, internet bị ảnh hưởng ngay. Khi tuyến APG hoàn thành, các nhà mạng sẽ có nhiều chọn lựa hơn và tình trạng internet của Việt Nam sớm được khắc phục khi có sự cố đứt cáp.
Trung Hiếu
>> Sự cố đứt cáp quang AAG sẽ được khắc phục vào ngày 1.10
>> Chấm dứt cấp phép lớp mầm non ở TP.HCM
>> Lại đứt cáp quang AAG
>> Internet lại bị chậm vì đứt cáp quang biển AAG
>> Hoàn tất khắc phục sự cố đứt cáp quang biển AAG
>> Sự cố đứt cáp quang AAG sẽ khắc phục hoàn tất vào ngày 30.7
>> Internet Việt Nam đi quốc tế bị chậm vì đứt cáp quang biển
>> Đứt cáp kéo tàu, 1 người chết
>> Đứt cáp công trình, 2 người bị thương
>> Cần cẩu đứt cáp, một nam sinh tử vong
>> Đứt cáp, 20 công nhân thiệt mạng
>> Xe container kéo đứt cáp viễn thông
Bình luận (0)