Nên đầu tư chương trình 135 theo hình thức cuốn chiếu

12/04/2010 16:51 GMT+7

(TNO) Đó là đề xuất của Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội (QH), ông Trần Thế Vượng khi góp ý thảo luận tại phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH sáng nay (12.4), sau báo cáo giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc của QH về thực tế thực hiện xóa đói, giảm nghèo qua Chương trình 135 giai đoạn II (2006 - 2010).

Nhiều hộ không muốn thoát nghèo?

Báo cáo giám sát do Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước trình bày tại phiên họp thứ 30 sáng nay của UBTVQH cho thấy, sau gần 5 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, nhiều mục tiêu quan trọng của chương trình cơ bản đã đạt được.

Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 47% đầu năm 2006 xuống còn 31,2% năm 2009 (mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 30%); tỷ lệ hộ đạt mức thu nhập bình quân đầu người 3,5 triệu đồng/năm là 67,5% (mục tiêu đạt trên 70%); số xã có đường giao thông cho xe cơ giới (xe máy trở lên) từ trung tâm xã đến thôn, bản đạt 75,2% (mục tiêu 80%); xã có điện tăng từ 84,6% lên 91,8% (tăng 7,2%), với 73,8% số thôn bản có điện (mục tiêu 80% số hộ được sử dụng điện)...

Cơ bản các xã có trên 90% học sinh tiểu học trong độ tuổi đến trường, tăng 12,54% (mục tiêu 95%); xã có trạm y tế đạt 100%, tăng 9% so với đầu chương trình, trong đó có 41,2% số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia (mục tiêu là 100%)...

Tuy đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, song theo ông Ksor Phước, đa số các xã, thôn, bản thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II tuy tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm nhanh nhưng thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn khá lớn. Nếu thực hiện theo chuẩn nghèo mới hoặc bị ảnh hưởng thiên tai, mất mùa thì tỷ lệ hộ nghèo vùng này sẽ trở lại rất cao.

Đặc biệt, theo ông Ksor Phước, việc cấp vốn hằng năm của Trung ương thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhưng việc sử dụng và triển khai của các địa phương không kịp thời, tỷ lệ giải ngân thấp; cá biệt có địa phương phân bổ vốn sai nội dung, mục đích, đối tượng thụ hưởng.

Việc quản lý, lồng ghép các chương trình, dự án với Chương trình 135 giai đoạn II do cơ chế quản lý, cơ chế tài chính của mỗi chương trình, dự án khác nhau và do nhiều ngành phụ trách nên việc lồng ghép rất khó thực hiện. Đến nay, các bộ ngành chưa có văn bản hướng dẫn địa phương quản lý, lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn.

Khai cuộc phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai lo ngại đặt ra hai vấn đề: Thứ nhất, với mức độ nghèo như Việt Nam, ngân sách Nhà nước đầu tư bao nhiêu là vừa, ngoài các gói kinh phí hỗ trợ của các tổ chức? Thứ hai, liệu cách thực hiện Chương trình 135 thời gian qua có tạo ra sự trông chờ ỷ lại của các hộ nghèo hay không?

Vấn đề khác bà Trương Thị Mai đặt ra là vì sao số hộ thoát nghèo do hưởng đầu tư từ ngân sách Trung ương chỉ đạt có 4,9% trong khi số hộ thoát nghèo từ nguồn đầu tư của ngân sách địa phương lại lên tới 40,5%. Bà đề nghị cần nghiêm túc đánh giá để làm rõ có hay không tư tưởng ỷ lại vào Trung ương?

Giải trình ngay tại phiên họp về thắc mắc của các thành viên UBTVQH về thực tế hộ thoát nghèo nhờ ngân sách đầu tư của địa phương cao hơn nhiều so với ngân sách Trung ương đầu tư, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, ông Hà Hùng cho biết: Việc nhiều xã thoát nghèo từ nguồn ngân sách của địa phương nhanh hơn nguồn ngân sách đầu tư của Trung ương không phải là có sự ỷ lại mà là do có địa phương nguồn lực mạnh, đầu tư nhanh hơn cho các xã, các hộ dân thoát nghèo như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... thì kết quả thoát nghèo khả quan hơn.

Về lý do giải ngân vốn sản xuất chậm, ông Hà Hùng cho rằng có lỗi của Trung ương trong việc chậm trễ hướng dẫn thực hiện tới địa phương. "Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn năm ngoái mới ra được thông tư cuối cùng hướng dẫn, mất 4 năm trời hướng dẫn thì chương trình hết, giải ngân chậm là đúng thôi", ông Hùng lý giải.

Thực hiện theo hình thức cuốn chiếu

Ý kiến này của Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đưa ra sau khi nhiều thành viên của Ủy ban TVQH cho rằng, đầu tư chương trình 135 hiện nay còn tản mạn, tràn lan và quá nhiều chương trình lồng ghép chưa phát huy được tác dụng, nguồn lực còn bị phân tán.

Ông Vượng đề xuất thay vì đầu tư cùng lúc cho 1.850 xã với 2.500 buôn làng, thôn bản rải đều, nên sử dụng giải pháp đầu tư dứt điểm theo kiểu cuốn chiếu, tức là mỗi năm tập trung vào một số xã, đầu tư đủ tầm, đủ nguồn lực để giúp dân thoát nghèo bền vững.

Ông Vượng cũng lưu ý đến việc nên để lực lượng biên phòng tham gia hỗ trợ thực hiện Chương trình 135 giúp phát triển kinh tế xã hội vùng sâu, vùng xa vốn đặc biệt khó khăn vì theo kinh nghiệm thực tế, nơi nào có vai trò của lực lượng biên phòng tham gia phát triển kinh tế xã hội, nơi đó dân thoát nghèo nhanh.

Ý tưởng này của ông Vượng nhận được sự đồng tình của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Lê Quang Bình.

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng cho rằng, nói các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án liên quan trực tiếp đến xóa đói giảm nghèo trên địa bàn các xã thuộc Chương trình 135 phối hợp lồng ghép chưa tốt thì bây giờ phải chỉ ra nguyên nhân chưa tốt chỗ nào, đâu là giải pháp. Trách nhiệm Trung ương ra sao, địa phương như thế nào? Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để nếu có sai sót phải xử lý.

Kết thúc phiên thảo luận sáng nay, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn "chốt" lại: UBTVQH sẽ sớm ra Nghị quyết về thực hiện Chương trình 135 sau khi tiếp thu các góp ý, chỉnh sửa thông tin báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc cho chính xác với phần giải trình, phản biện của các bộ ngành liên quan.

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.