Nên làm gì với trái phiếu doanh nghiệp để tránh rủi ro?

10/04/2022 10:11 GMT+7

Sau vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh , nhiều nhà đầu tư lo ngại rủi ro đã bán trái phiếu trước kỳ hạn để rút tiền về, chấp nhận bỏ lãi suất cao.

Sợ mất tiền, nhà đầu tư “bán non” trái phiếu

Trước đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) rúng động bởi vụ việc Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) hủy phát hành 9 lô trái phiếu của 3 công ty thành viên thuộc Công ty CP Tập đoàn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) với giá trị lên tới hơn 10.000 tỉ đồng, do 3 công ty này công bố thông tin sai sự thật khi phát hành. Ngay sau đó, cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Đỗ Anh Dũng của tập đoàn này và nhiều bị can khác.

Trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt thuộc Tân Hoàng Minh lãi suất lên tới 12%/năm
tHM

Vụ việc đã và đang ảnh hưởng rất lớn tới thị trường TPDN, niềm tin của các nhà đầu tư. Trao đổi vớiThanh Niên, một nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cho biết, ông có mua trái phiếu của Tập đoàn XT tại Ninh Bình với kỳ hạn 1 năm, lãi suất hơn 8%/năm. Tuy nhiên, sau khi sai phạm tại Tân Hoàng Minh bị phát hiện, ông đã nhiều lần làm việc với phía ngân hàng S. (đơn vị đứng ra tư vấn, phát hành trái phiếu) để bán lại trái phiếu trước hạn, thu tiền về. “Phía ngân hàng đồng ý mua lại trái phiếu với lãi suất 5%/năm. Nếu để cố thêm vài tháng thì họ cũng trả đủ nhưng giờ rủi ro như thế này thì tốt nhất là cứ bán thu tiền về cho an toàn”, nhà đầu tư này chia sẻ.

Trong khi đó, với các doanh nghiệp đang có kế hoạch phát hành trái phiếu, rõ ràng vụ việc tại Tân Hoàng Minh đang làm cho kênh huy động vốn này trở nên khó khăn hơn. “Lãi suất trái phiếu cao hơn gửi tiết kiệm nhưng thông tin thiếu minh bạch quá. Lại thêm mấy vụ lùm xùm vừa qua tôi thấy cũng chưa nên đầu tư, cứ để Chính phủ chấn chỉnh lại đã rồi tính”, chị M.A - một nhà đầu tư chứng khoán cho biết.

Theo báo cáo của UBCKNN, năm 2021 tổng giá trị phát hành TPDN đạt 495.029 tỉ đồng, tăng 23,6% so với năm 2020, trong đó phát hành riêng lẻ đạt 467.583 tỉ đồng, phát hành ra công chúng đạt 27.436 tỉ đồng. Lượng TPDN được phát hành ngày càng tăng, nhưng theo cơ quan này có tới một nửa trong số đó không có tài sản đảm bảo; thông tin phát hành kém minh bạch, dẫn tới rủi ro cho nhà đầu tư.

Vấn đề nào cần “soi” kỹ khi đầu tư trái phiếu

Để có thể yên tâm khi đầu tư TPDN, theo Công ty FiinGroup (hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tích hợp về dữ liệu tài chính, thông tin kinh doanh), nhà đầu tư cần chú ý tới việc bảo lãnh. Bảo lãnh phát hành là việc tổ chức bảo lãnh cam kết mua lại một phần hoặc toàn bộ trái phiếu phát hành nếu không phân phối hết. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư là bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng hoặc của công ty mẹ, công ty liên kết. Do đó, với trái phiếu được bảo lãnh, nhà đầu tư cần phải đánh giá cả đơn vị bảo lãnh thanh toán.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần phải xác định rõ là cam kết mang tính không chắc chắn hay cam kết chắc chắn sẽ mua lại trái phiếu mà nhà đầu tư đang sở hữu. Thống kê của FiinRatings cho thấy cam kết mua lại thường là cam kết tương đối/cam kết không chắc chắn, tức là các đơn vị phân phối sẽ đứng ra mua lại trái phiếu hoặc tìm kiếm người mua trái phiếu để nhà đầu tư chuyển nhượng lẫn nhau.

Tập đoàn Tân Hoàng Minh là đơn vị phát hành nhiều trái phiếu
Lê quân

Công ty FiinGroup cũng lưu ý, nếu tài sản bảo đảm là bất động sản và dự án hình thành trên bất động sản thì cần phải nắm được dự án nằm ở đâu, đơn vị định giá có tên tuổi hay không. Các tài sản đảm bảo là cổ phiếu có mức độ dao động lớn và phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tín dụng của tổ chức phát hành.

Do đó, nếu tổ chức phát hành gặp khó khăn trong việc trả nợ, giá trị của cổ phiếu cũng sẽ suy giảm nhanh chóng, ảnh hưởng đến giá trị của tài sản đảm bảo. Trên thực tế, chỉ các nhà đầu tư tổ chức mới có khả năng xử lý hoặc cấu trúc lại doanh nghiệp và quá trình này thường kéo dài nên không có nhiều ý nghĩa về mặt đảm bảo cho nhà đầu tư cá nhân.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính cũng khuyến cáo các nhà đầu tư cần phải hiểu biết mình là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào TPDN; không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Trong trường hợp mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư là không có căn cứ pháp lý theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu, nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không có quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành.

“Quy định hiện hành chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN riêng lẻ. Theo đó, mọi hành vi gian lận để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư) mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện thanh kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi lách quy định này của pháp luật”, Bộ Tài chính khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.