Nên sinh thường hay sinh mổ?

Nên sinh thường hay sinh mổ?

11/02/2022 17:35 GMT+7

Em đang mang thai 36 tuần, qua siêu âm phát hiện thai nhi có dây rốn quấn cổ 3 vòng. Ngoài ra, vì rất sợ đau nên em dự định sinh mổ và chọn ngày sinh. Xin bác sĩ tư vấn về phương pháp sinh cũng như biện pháp giảm đau cho sản phụ. Cảm ơn bác sĩ. (Thu Hiền, 27 tuổi, TP.HCM)

Có hai phương pháp sinh nở chủ yếu là sinh qua ngả âm đạo (sinh thường) và mổ lấy thai (sinh mổ). Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến khích thai phụ nên sinh thường, giảm tỷ lệ sinh mổ dưới 20%. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh mổ tại Việt Nam và thế giới đang tăng cao do có nhiều trường hợp không thể sinh thường như người mẹ có bệnh lý tiền sản giật, nhau cài răng lược, khung xương chậu hẹp, thai chậm phát triển trong tử cung, cân nặng của thai nhi quá lớn. (Nên sinh thường hay sinh mổ, tham khảo tại đây).

Sinh thường mang đến nhiều lợi ích cho cả bà mẹ và em bé: mẹ bình phục nhanh hơn, sữa về sớm hơn, đồng thời nếu lần đầu sinh thường thì tỷ lệ sinh thường ở lần sau rất cao. Mẹ sinh thường qua ngả âm đạo cũng có lợi cho hệ hô hấp của trẻ sơ sinh, giúp tống xuất các chất tiết dịch mũi, hầu họng ra ngoài; có thêm lợi khuẩn, sức đề kháng tốt hơn trẻ sinh mổ...

Trong khi đó, dù sinh mổ giúp cuộc “vượt cạn” diễn ra chủ động, nhanh chóng, dễ dàng, ít đau, tuy nhiên, sản phụ có thể đối diện với nhiều nguy cơ như: chảy máu, nhiễm trùng, tụ dịch vết mổ, làm tăng tỷ lệ nhau cài răng lược… Nếu người mẹ sinh mổ con đầu lòng thì cơ hội sinh thường ở lần sau cũng sẽ hạn chế.

Chính vì vậy, các chuyên gia sản phụ khoa khuyên rằng, việc lựa chọn phương pháp sinh thường hay sinh mổ cần do bác sĩ chỉ định, không nên xuất phát từ ý muốn chủ quan của người mẹ, gia đình như sợ đau khi sinh, chọn ngày lành tháng tốt để con ra đời…

Nên sinh thường hay sinh mổ?- Ảnh 1.

BS CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi đang thăm khám cho thai phụ

Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Về trường hợp của bạn, dây rốn quấn cổ thai nhi 3 vòng cũng chưa phải là yếu tố cần chỉ định sinh mổ. Cần phải thăm khám và có thêm dữ liệu để lựa chọn phương pháp sinh, bởi trong thực tế, dây rốn quấn cổ thai nhi nhiều vòng, thậm chí 4-5 vòng, thai phụ vẫn có cơ hội sinh thường nếu chuyển dạ nhanh, biến động tim thai không ở mức nguy cơ. Và tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, chúng tôi từng đỡ sinh bé bị rốn quấn cổ 4 vòng bằng phương pháp sinh thường. Bé chào đời an toàn, khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông.

Về vấn đề đau khi sanh, không ít thai phụ như bạn rất sợ sinh thường vì ám ảnh cơn đau đẻ. Cơn đau khi chuyển dạ xuất phát từ các cơn gò tử cung, nhiều phụ nữ cảm thấy cơn đau đẻ vượt ngưỡng chịu đựng. Chị em có thể vận động nhẹ nhàng như đi bộ trước khi sinh để tăng tiết các chất làm giảm đau, biết cách kiểm soát thông qua các bài tập thở, yoga… Nếu quá lo lắng, bạn có thể sử dụng phương pháp “đẻ không đau” (gây tê ngoài màng cứng) giúp giảm đau và cuộc sinh diễn ra nhẹ nhàng, thuận lợi.

Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp được lựa chọn nhiều nhất trên thế giới (hơn 50% sản phụ). Sản phụ sẽ được cung cấp lộ trình giảm đau, điều chỉnh lượng thuốc tê phù hợp với tình trạng, mức đau…

Nên sinh thường hay sinh mổ?- Ảnh 2.

Nhiều thai phụ cho biết rất an tâm khi chọn BVĐK Tâm Anh để theo dõi thai và sinh nở

Ảnh: Quỳnh Thơ

Nhiều chị em thắc mắc về tác dụng phụ của việc gây tê ngoài màng cứng, như đau nhức lưng, ngứa… Tuy nhiên, thuốc gây tê, gây mê sau 15 ngày không còn tác dụng, do đó đau lưng do gây tê ngoài màng cứng chỉ khoảng vài ngày chứ không kéo dài. Nếu đau lưng kéo dài, có thể do thiếu hụt nội tiết tố, dây chằng giãn ra, dồn vào vùng dưới thắt lưng, thiếu canxi làm loãng xương, thường cúi xuống nhìn con làm cột sống cong quá mức… Phương pháp gây tê ngoài màng cứng cũng ít có trường hợp gây ngứa.

BS CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.