Nền tảng giải đấu chuyên nghiệp: Yếu tố sống còn của eSports Việt

30/06/2017 15:06 GMT+7

Từ chức năng cơ bản ghi nhận/tổ chức kết cấu các giải Thể thao Điện tử, nhiều nền tảng giải đấu chuyên nghiệp đã bắt đầu chuyển mình, mở rộng thêm tính năng và ngày càng hoàn thiện trong trải nghiệm người dùng. Sớm hay muộn, các nền tảng này sẽ trở thành yếu tố không thể thiếu trong những sân chơi lớn.

Khắc phục nhược điểm của các giải eSports Việt

Hai quý đầu năm 2017 chứng kiến sự bùng nổ các sân chơi, giải đấu eSports (Thể thao Điện tử) chuyên nghiệp cả trong và ngoài nước. "Ông lớn" Riot Games cùng con cưng Liên Minh Huyền Thoại ngoài việc duy trì hệ thống giải vô địch được vận hành từ nhiều năm qua, đã liên tục ra mắt các sân chơi mới mà Rift Rivals là cái tên tiêu biểu nhất. Trong khi đó, Dota 2, CS:GO cũng đang thể hiện sự bứt phá mạnh mẽ, đặc biệt là màn "song kiếm hợp bích" tại ROG Masters vào tháng sau. Dĩ nhiên, không thể không kể đến AIMAG 2017 (Ashgabat 2017) - sự kiện thể thao quốc tế sở hữu nhiều nội dung eSports lớn.
Thể thao Điện tử (eSports) đang có những tín hiệu phát triển đáng mừng trong năm 2017 Độc Lập
Tại Việt Nam, phong trào eSports tiếp tục thể hiện đà phát triển đáng kể, tín hiệu đáng mừng nhất là giờ đây các sân chơi cho game thủ trong nước đã không còn xoay quanh trục Liên Minh Huyền Thoại như trước. Thay vào đó, sự quan tâm và định hướng đầu tư của những đơn vị tổ chức eSports đã san sẻ qua các bộ môn khác như Dota 2, CS:GO, Age Of Empires, PES 2016, Fifa Online 3, Đột Kích, OVerwatch... Nhờ đó, chưa lúc nào cộng đồng game thủ Việt có được số lượng giải phong phú, đa dạng như ở thời điểm hiện tại.
1HP.Rebellion và Sabertooth tại giải BenQ Zowie CSGO Việt Nam 2017
Ở góc độ một đơn vị báo chí truyền thông, chuyên mục Game của Báo Thanh Niên cũng đang góp chút sức lực cho bức tranh toàn cảnh eSports Việt. Tính đến thời điểm hiện tại, Thanh Niên Game và các đối tác như BenQ Zowie, Next Gen, ChallengeMe, GameTV, 500 Anh Em, VNG... đã cho ra mắt ba giải đấu trong các bộ môn CS:GO, Dota 2 và PES 2016. 
Theo ông Trường Nghi - Trưởng trang Game, trong thời gian tới Thanh Niên Game sẽ tiếp tục "dấn thân" vào lĩnh vực eSports để mang đến nhiều sân chơi bổ ích, lành mạch và chất lượng cho người trẻ Việt. Trong hành trình đó, việc chuyên nghiệp hóa khâu tổ chức, cấu trúc và hình thái của các giải đấu là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Tuy nhiên, việc tổ chức các giải đấu eSports trong nước - ở cả quy mô tự phát hoặc được xây dựng bởi những đơn vị chính quy - đều đang gặp nhiều khó khăn, chưa thật sự thuận lợi và cũng còn thiếu sót nhiều tiêu chí chất lượng cần thiết. Ở cả ba khâu mấu chốt là quản lý đội tuyển, cấu trúc giải đấu và thu/phát sóng giải đều có những điểm bất cập riêng.
Dĩ nhiên, sự "lập cập" này hoàn toàn là điều có thể đoán định trước, vì các tổ chức/cá nhân trong lĩnh vực eSports hiện nay tại Việt Nam vẫn còn khá ít ỏi về số lượng ,không có tính liên kết chặt chẽ với nhau - dù sở hữu chuyên môn và sự thấu hiểu cộng động lớn.
Do đó, nền tảng giải đấu chuyên nghiệp dành riêng cho lĩnh vực Thể thao Điện tử (eSports Tournament Platform) chính là công cụ hỗ trợ cực kỳ quan trọng, nếu không muốn nói là "sống còn" trong tương lai.

"Quy về một mối"

Hiện nay đang có khoảng hàng chục công cụ nền tảng giải đấu, hỗ trợ đa dạng cho nhu cầu của những người làm eSports. Trong đó, hầu hết đều đáp ứng được các nhu cầu cơ bản về ghi nhận kết quả, thiết kế cấu trúc giải, các công cụ theo dõi dành cho ban tổ chức và trọng tài, giám sát. Tuy nhiên, một số nền tảng đã bắt đầu "bắt nhịp" được nhu cầu chung của game thủ, và dần trang bị thêm nhiều tính năng, công cụ chuyên "đặc trị" giải đấu.
Nổi trội nhất trong thời gian gần đây có thể kể đến ChallengeMe.GG, nền tảng chính thức được sử dụng tại Manila Master, Dota 2 BenQ Zowie Cup, BenQ Zowie Việt Nam CSGO 2017... cùng nhiều giải đấu lớn khác ở phạm vị trong và ngoài nước.
Chi tiết khiến nền tảng này trở nên ưu việt là khả năng kết nối với tài khoản của tuyển thủ (Steam), ghi nhận thông số của từng cá nhân, sau đó quy hoạch và tổ chức giải dựa trên chính nguồn dữ liệu này. Chưa dừng lại ở đó, ChallengeMe.GG còn có khả năng tạo phòng thi đấu cho giải trên chính server riêng của mình, được bảo mật bởi hệ thống chống gian lận và áp dụng chặt chẽ luật thi đấu quốc tế. Ngoài ra, tín hiệu từ giải sẽ được xuất thẳng vào kênh streaming (trực tiếp) được tích hợp trong chính nền tảng. Như vậy, việc tổ chức giải chỉ gói gọn trong một kênh duy nhất, và hạn chết tối đa vấn đề tiêu cực, từ cả phía tuyển thủ lẫn ban tổ chức giải.
Game thủ theo dõi giải đấu của Thanh Niên Game
Thực tế cho thấy, nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực cung ứng nền tảng eSports đã bắt đầu rục rịch bước vào cuộc đua này, chính bản thân ChallengeMe.GG cũng đã hỗ trợ tiếng Việt và sắp chính thức bước vào thị trường eSports trong nước thông qua kế hoạch đặt server tại Việt Nam. Dĩ nhiên, một khi cuộc chiến nền tảng tổ chức giải đấu eSports được hâm nóng, thì game thủ/đội game vẫn là những người được hưởng lợi lớn nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.