Theo báo cáo, từ năm 2008 - 2010, đã có 15 tỉnh, thành trong cả nước thực hiện thí điểm hoạt động trên.
Thông qua các hoạt động này, tỷ lệ các vụ khiếu nại ở các địa phương thí điểm đã giảm đáng kể nhờ tăng cường giữ mối liên hệ giữa các đại biểu dân cử và cử tri. Còn hoạt động TVYKND đã giúp đại biểu và HĐND có thêm nhiều thông tin để tạo lập cơ sở cho đề xuất kiến nghị HĐND quyết định các chính sách liên quan đến quyền lợi thiết thực của người dân, đồng thời thúc đẩy tốt hơn sự hợp tác, phối hợp trong hệ thống chính trị, hệ thống chính quyền ở địa phương.
Các hình thức TVYKND phổ biến được các địa phương sử dụng là tổ chức hội nghị TVYKND, điều tra xã hội học và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung tham vấn, liên hệ cử tri tập trung vào các vấn đề nổi cộm, liên quan đến quyền lợi người dân như chính sách học phí, tình trạng cắt điện luân phiên, chính sách phát triển KT-XH địa phương, an sinh xã hội...
Qua gần 3 năm thực hiện thí điểm, đa số đại biểu đều đề xuất QH, Ủy ban TVQH cần thể chế hóa hoạt động tham vấn trong Luật Tổ chức HĐND và UBND, hoặc trong Quy chế hoạt động của HĐND các cấp, để tăng hiệu quả hoạt động.
Phát biểu chỉ đạo, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: Hoạt động TVYKND và giữ mối liên hệ thường xuyên chặt chẽ giữa đại biểu dân cử với nhân dân phù hợp với quan điểm chủ trương của Nhà nước, phù hợp với quy định của Hiến pháp cũng như sự đòi hỏi của nhân dân. Ông Kiên cũng lưu ý: “Trong việc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp, sắp tới cần xem xét lựa chọn ĐBQH và ĐB dân cử ở địa phương thế nào để đáp ứng được yêu cầu phát triển, nguyện vọng của nhân dân. Người thay mặt nhân dân phải là người tiêu biểu trong số những người có đức, có tài. Ngoài phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm đến kỹ năng cần có, ĐB dân cử phải dám nói với tinh thần trách nhiệm”.
Trong năm 2011, sẽ tiếp tục mở rộng thí điểm hoạt động TVYKND, tăng cường giữ mối liên hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri tại 7 tỉnh, thành và tiến tới sẽ mở rộng ra 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Bảo Cầm
Bình luận (0)