Nên thu học phí đại học theo điều kiện gia đình?

18/08/2022 12:06 GMT+7

Việc tăng học phí đại học (ĐH) là xu hướng tất yếu nhưng vô tình tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục ĐH, nhất là học sinh xuất thân từ gia đình có thu nhập thấp.

Vậy làm thế nào để giảm bớt tình trạng bất bình đẳng này?

Nên có "học bổng Chính phủ"

Trong thời gian vừa qua, khi thực hiện chính sách tự chủ cho các trường ĐH thì chúng ta nhận thấy một thực tế là hình như nhà nước đã từ bỏ trách nhiệm của mình, đặc biệt là đối với các trường ĐH tự chủ hoàn toàn. Hệ quả là các trường gần như không còn nhận được nguồn kinh phí tài trợ từ nhà nước cho hoạt động của mình.

Học phí ĐH tăng vọt sẽ gây bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục ĐH

đ.n.t

Chúng tôi cho rằng nhà nước cần phải xem xét lại chính sách này, tức là dù trao quyền tự chủ nhưng nhà nước vẫn cần có sự hỗ trợ tài chính cho các trường. Chẳng hạn, đối với các trường ĐH công lập tự chủ tài chính, hằng năm, nhà nước tài trợ 100-200 suất học bổng cho tân sinh viên thuộc gia đình có thu nhập thấp hoặc sinh viên đăng ký các ngành khoa học cơ bản để các em có thể tiếp cận được với nền giáo dục bậc cao này.

Có thể đặt tên cho loại học bổng này là “Học bổng chính phủ”. Tức là dù trao quyền tự chủ cho các trường ĐH thì nhà nước vẫn phải góp phần của mình, chứ không thể khoán hoàn toàn cho các trường ĐH tự xoay sở như hiện nay.

Nhà nước cũng có thể lập một quỹ cho các trường ĐH vay với lãi suất thấp để có thể đầu tư cho cơ sở vật chất. Khi được vay với lãi suất thấp thì áp lực hay biên độ tăng học phí của các trường sẽ giảm và điều này cũng giảm áp lực học phí lên vai người học.

Học phí theo vùng và điều kiện gia đình

Ở một số nước châu Âu, chúng tôi nhận thấy các trường ĐH có thực hiện việc thu học phí tùy theo nguồn gốc của sinh viên. Chẳng hạn học phí đối với sinh viên thuộc các nước nghèo sẽ khác với sinh viên thuộc nước có thu nhập trung bình, thu nhập khá hoặc cao. Tức là họ không thu học phí kiểu cào bằng như các trường ĐH của chúng ta.

Do đó, nên chăng trường ĐH của Việt Nam cũng nên thu học phí theo cách này, tức là thu học phí theo điều kiện kinh tế của sinh viên chứ không cào bằng như lâu nay. Chẳng hạn, học phí đối với sinh viên đến từ vùng nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn phải khác với học phí đối với sinh viên đến từ vùng đô thị và có điều kiện kinh tế thuận lợi hơn.

Huy động nguồn hiến tặng

Có lẽ một trong những điểm yếu của các trường ĐH của chúng ta là khả năng thu hút được nguồn tài chính từ hiến tặng từ cựu sinh viên và doanh nghiệp là quá khiêm tốn. Nếu có thì chủ yếu đến từ các mối quan hệ cá nhân của lãnh đạo các trường chứ chưa trở thành một chiến lược, một chính sách xuyên suốt của các trường.

Để làm được điều này thì dĩ nhiên, các trường phải có sự minh bạch về tài chính và phải có trách nhiệm giải trình trước xã hội. Các trường có thể ký kết hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp hỗ trợ tài chính và các trường hỗ trợ lại bằng cách đào tạo nhân lực hoặc các khóa ngắn hạn cho doanh nghiệp và ưu tiên chuyển giao công nghệ, những kết quả nghiên cứu mới của các trường cho doanh nghiệp…

Có như vậy, học phí đại học mới ổn định và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mới giảm đi gánh nặng và áp lực về tài chính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.