'Tự chủ đại học' trước hết phải được quyền... tự chủ trang phục trong lễ tốt nghiệp?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
02/08/2022 16:17 GMT+7

Một tiến sĩ Việt tại Úc cho biết các trường ĐH ở Úc đều có trang phục mang bản sắc riêng trong lễ tốt nghiệp và mỗi bậc học cũng đều có thiết kế riêng. Vậy ở Việt Nam, trang phục nhận bằng nên như thế nào?

Mỗi trường có một lễ phục riêng

Là một người theo dõi những phản ứng trái chiều của dư luận về trang phục trong lễ tốt nghiệp tại Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội trong 2 ngày qua, tiến sĩ Phan Hồng Đức, đang công tác tại ĐH RMIT (TP.Melbourne, Úc), cho rằng không nên quá khắt khe với bộ lễ phục của thầy trò trường này.

Vì sao hiệu trưởng trường đại học cầm "quyền trượng học thuật" trong lễ tốt nghiệp?

Tiến sĩ Đức lý giải: “Lễ tốt nghiệp là một dịp vô cùng đặc biệt của sinh viên. Sau 4 năm học tập vất vả, ai cũng muốn mình được khoác lên người những bộ trang phục trang trọng, đẹp đẽ để bước lên sân khấu nhận bằng. Tôi thấy các em và cả các thầy trong lễ tốt nghiệp đó đều vô cùng hạnh phúc”.

Chia sẻ về trang phục tốt nghiệp tại các trường ĐH tại Úc, tiến sĩ Đức cho hay: “Mỗi trường ở Úc đều có một thiết kế riêng của mình, rất đặc trưng và mỗi bậc học như tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân đều có trang phục riêng. Trên website của mỗi trường đều ghi rõ chi tiết cho từng thiết kế, từng màu sắc... Nhìn vào một bộ lễ phục, bạn sẽ biết ngay người mặc tốt nghiệp ngành gì, bằng cấp loại nào”.

Website của trường ĐH RMIT ở Úc hướng dẫn cụ thể về trang phục trong lễ tốt nghiệp

ĐH Rmit

Chẳng hạn, website của ĐH RMIT có ghi rõ: “Lễ phục tốt nghiệp dựa trên phong cách Oxford. Vì vậy, nếu bạn tham dự lễ tốt nghiệp, bạn sẽ mặc một chiếc áo choàng đen truyền thống, đội mũ trùm đầu vuông hoặc áo có dải khăn và một chiếc nón tròn… Chính xác những gì bạn sẽ mặc sẽ phản ánh bạn đang nhận bằng cấp gì cử nhân hay thạc sĩ”.

“Áo có dải khăn” thì dài khăn này là một loại khăn quàng cổ đeo trên vai tại các buổi lễ khai giảng. Thông thường, các dải băng này đánh dấu thành tích học tập cụ thể, khoa, chuyên ngành mà sinh viên đang học, trình độ họ đã đạt được, trường họ tốt nghiệp và cũng để tôn vinh sinh viên, theo tiến sĩ Đức.

Website chính thức của các trường cũng có video, bài viết hướng dẫn cụ thể cách mặc, ý nghĩa của từng chi tiết của bộ lễ phục. ĐH RMIT thì hướng dẫn chi tiết: “Sinh viên tốt nghiệp chứng chỉ và văn bằng sẽ mặc đồ có dải dây phía trước, sinh viên tốt nghiệp bằng cấp sẽ phải đội mũ trùm đầu. Nếu bạn tốt nghiệp với bằng kép, bạn có quyền đội hai mũ trùm đầu, một mũ cho mỗi chuyên ngành. Bạn sẽ đeo một chiếc bảng cối (hoặc mũ lưỡi trai) làm từ vải đen với một vương miện gấp và một tua đen. Các tiến sĩ sẽ mặc một chiếc áo choàng bằng vải đen phủ lụa đỏ cùng với mũ trùm đầu bằng vải đỏ có viền bằng lụa đỏ, và một chiếc mũ nhung đen có tua đỏ”.

Theo tiến sĩ Đức, trong ngày lễ tốt nghiệp, giảng viên được quyền chọn mặc lễ phục của trường mình đã tốt nghiệp hay của trường mình đang công tác. Chẳng hạn, tiến sĩ Đức vẫn mặc lễ phục của ĐH Swinburne, nơi mình đã học thạc sĩ và tiến sĩ dù đang công tác tại ĐH RMIT. Với sinh viên, tiến sĩ Đức cho biết sinh viên ĐH Swinburne có thể thuê/mua trang phục tốt nghiệp từ những cửa hiệu chuyên dụng.

Trang phục không phản cảm là được

Chia sẻ với PV Thanh Niên về vấn đề trang phục trong lễ tốt nghiệp, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận: “Khi tốt nghiệp ĐH cách đây hơn 40 năm, chúng tôi không có lễ ra trường, không được mặc trang phục đẹp như các em ngày nay. Cách đây hơn 20 năm cũng chưa có trang phục trong lễ ra trường như bây giờ. Tuy nhiên, vài năm sau đó, các trường bắt đầu để sinh viên mặc lễ phục với phần lớn trang phục rộng, có màu đen hoặc xanh đen, lúc đầu thấy hơi kỳ kỳ nhưng sau cũng quen. Chỉ là các em phải thuê trang phục với cái giá không phải là rẻ với những sinh viên nghèo”.

Bộ trang phục gây tranh cãi của Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội

facebook trường

Theo PGS-TS Hồng, trang phục không phải là xấu hay đẹp, chỉ là phù hợp hay không phù hợp. “Chỉ tiếc khi chúng ta hô hào bảo vệ văn hoá Việt thì chưa thấy ai tìm kiếm trang phục cho ngày tốt nghiệp của sinh viên Việt. Bắt chước hay làm theo cũng tốt, đừng phản cảm là được. Dù sao tôi vẫn thích các nhà thiết kế Việt hãy thiết kế mẫu trang phục cho sinh viên Việt Nam để họ có thể tự hào về trường học của họ, về văn hoá Việt”, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng nhận định.

Trong khi đó, thạc sĩ Nam Phong, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng áo thụng, nón tốt nghiệp, bằng cử nhân… tại lễ tốt nghiệp ĐH thì chúng ta học theo nước ngoài nhiều năm nay. “Nghi lễ và trang phục như thế này được du nhập vào Việt Nam khoảng 20 - 30 năm trở lại đây. Trước đó, cử nhân ĐH Việt Nam chủ yếu mặc áo dài, sơ mi khi nhận bằng hoặc là lên trường ký nhận là xong. Về lịch sử khoa bảng, Việt Nam từng có nghi lễ vinh danh cử nhân với áo dài, guốc mộc, giày vải, có nơi còn có cả nghi thức rước kiệu về làng báo công tiên tổ nữa. Không lẽ bây giờ chúng ta quay về thực hành nghi lễ như thế chăng?”, thạc sĩ Phong đặt vấn đề.

Theo thạc sĩ Phong, quyền trượng, "cái chùy" (mace) xuất hiện trên tay thầy hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội từ lâu đã được sử dụng như biểu tượng của nhiều trường ĐH trên khắp thế giới. Chúng tượng trưng cho cơ quan quản lý của trường ĐH và chỉ xuất hiện khi người đứng đầu của trường có mặt.

“Chúng ta cứ mong chờ ở đâu đó một sự thay đổi, rồi đến khi sự thay đổi diễn ra thì cho rằng "khác lạ và không quen thuộc”. Nếu chúng ta nhìn bằng định kiến có thể sẽ cản ngăn những điều mới mẻ, sáng tạo”, thạc sĩ Phong bày tỏ.

Từ vấn đề trên, ông Nguyễn Hoàng Hải, nguyên giám đốc chiến lược và quản lý dự án của ngân hàng TPBank, đặt vấn đề “tự chủ đại học trước hết phải được tự chủ về vấn đề tối thiểu nhất là trang phục”.

Ông Hải nhìn nhận: “Hiện nay không có quy định cụ thể về việc các tổ chức công phải mặc gì và không mặc gì. Mỗi trường đều có quyền tự quyết về một bộ lễ phục, miễn trang phục đó không phản cảm, không trái với thuần phong mỹ tục. Luật Giáo dục ĐH quy định quyền tự chủ là quyền của cơ sở giáo dục ĐH được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục ĐH”.

Cũng theo ông Hải việc lên án một bộ trang phục không hề phản cảm trong lễ tốt nghiệp là đang can thiệp vào tự chủ của một ngôi trường. “Trước khi nói đến tự do học thuật hay ĐH tự chủ, xin dư luận cho phép các thầy được tự do, tự chủ lựa chọn trang phục”, ông Hải chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.