Điều muốn nói ở đây không phải là lỗi chính tả mà là ở khía cạnh khác. Đó là hiện tượng “thông thầu” của các nhà thầu khi tham gia đấu thầu. Cũng do lỗi “nói sao viết vậy” của các nhà thầu thuộc một số đơn vị xây dựng ở Hà Nội đã làm lộ sáng việc thông thầu nói trên khiến trong cuộc hội nghị giao ban xây dựng cơ bản toàn ngành ngày 20.7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng phải “ra roi”: Cấm tham gia đấu thầu các công trình giao thông từ 1-3 năm đối với 34 đơn vị trong toàn quốc. Trong đó, Quảng Ngãi có 16 đơn vị, Lào Cai: 8 đơn vị, Nam Định: 4, Hà Nội: 4 và Hà Giang: 2 đơn vị.
Lệnh cấm này không chỉ có hiệu lực đối với các dự án của Bộ mà của cả các sở giao thông vận tải tỉnh, thành. Một số đơn vị ở Quảng Ngãi, Lào Cai và Hà Giang còn bị phạt 20 triệu đồng.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án 1, trong hồ sơ dự thầu của 4 doanh nghiệp ở Hà Nội đều có biểu hiện sao chép giống nhau từ lỗi chính tả, lỗi đánh máy đến dấu chấm, dấu phẩy như “đầm lèn” thành “đầm nèn” hay “lún” thành “nún”... Việc làm “quân xanh” hay “chân gỗ” của các nhà thầu lâu nay không phải là điều xa lạ với các cơ quan quản lý và các chủ đầu tư nữa.
Những “chân gỗ” này chỉ có mỗi nhiệm vụ là ký vào bên dưới bộ hồ sơ tham gia đấu thầu, còn nội dung hồ sơ ra sao thì đã có đơn vị khác lo rồi. Nghĩa là, gói thầu ấy, chủ đầu tư đã “nhắm” trước cho đơn vị nào thi công thì đơn vị đó phải lo hồ sơ từ A đến Z. Ngày đấu thầu chẳng qua chỉ là đóng kịch với nhau để hợp thức hóa các thủ tục quy định mà thôi. Chính vì chỉ mỗi một đơn vị lo hồ sơ cho toàn bộ các “chân gỗ” còn lại nên mới có chuyện “nèn” và “nún” xuất hiện y chang nhau trong các bộ hồ sơ dự thầu. Vậy là, khái niệm làm dối, làm ẩu không chỉ xuất hiện trên các công trình xây dựng mà ngay từ khâu đầu tiên - làm hồ sơ dự thầu - cũng đã thấy ẩu xị rồi. Vì vậy, người dân đã không còn xa lạ khi thấy các cọc biển báo ven đường, thay vì cốt thép bên trong đã thành cốt tre; họ không còn ngạc nhiên khi biết rằng, thay vì 10 cây sắt cho một trụ hố móng đã bị đơn vị thi công rút ruột còn 6-7 cây.
Riêng điều này thì họ ngạc nhiên: Sự việc “nèn và nún” ấy diễn ra đã rất lâu rồi, sao đến nay mới bị phát hiện? Có phải vì các công trình “nèn và nún” ấy là do WB tài trợ nên buộc phải kiểm tra nghiêm ngặt hơn các công trình do Việt Nam đầu tư? Và nếu đúng là như thế thì liệu còn bao nhiêu nhà thầu “nèn và nún” khác vẫn chưa bị rút phép thông công?
Người dân đang kỳ vọng vào sự nghiêm minh hơn nữa của các chủ đầu tư, không cứ gì vốn nước ngoài chúng ta mới “nghiêm khắc” với các nhà thầu, còn vốn của Việt Nam thì xuê xoa cho qua.
Trà Sơn
Bình luận (0)