Không còn là thiểu số
Nữ họa sĩ chuyên tranh lụa - bà Mộng Bích, vừa có triển lãm cá nhân đầu tiên khi ở tuổi gần 90 với tên gọi Đi giữa hai thế kỷ vào giữa tháng 10 qua. “Có những người một đời vẽ lụa như bà Mộng Bích, bà Kim Bạch, ông Nguyễn Thụ. Nhưng số người như thế không nhiều. Trước đây nếu xếp về số lượng người vẽ theo chất liệu, thì nhiều nhất là sơn dầu, sau đó đến sơn mài, rồi đến các loại tranh in khắc, lụa chỉ đứng thứ tư thôi”, ông Vi Kiến Thành, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), nhận định. Chính sự khó bảo quản của tranh lụa khiến ít họa sĩ gắn bó với chất liệu này.
Chính vì thế, theo họa sĩ chuyên vẽ lụa Vũ Đình Tuấn (giảng viên ĐH Mỹ thuật VN), số lượng người vẽ lụa hiện nay chỉ đứng sau sơn dầu, tương đương lượng người vẽ sơn mài và tranh in khắc. Còn ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, đánh giá: “Chục năm nay tranh lụa tốt lên nhờ các họa sĩ thế hệ sau, thế hệ 7X. Họ vẽ nhiều và chất lượng cũng tốt”.
|
Cần hướng đi mới
Ông Lương Xuân Đoàn cho biết có lúc tranh lụa gần như bị gián đoạn vì ít người theo. Nhưng khi có nhiều người vẽ hơn thì đa số lại tiếp nối y nguyên cách vẽ của cụ Nguyễn Phan Chánh, bậc thầy của thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương. “Cụ Nguyễn Phan Chánh là bậc tiên chỉ rồi. Từ rất trẻ, cụ đã được gọi là tiên chỉ của tranh lụa VN. Kính cẩn với cụ nhưng phải đi theo con đường mới. Cứ nếu hiểu truyền thống là phải nối theo, cứ dùng đĩa màu của cụ thì không để làm gì cả. Chính vì thế, cần phải thay đổi. Như Vũ Đình Tuấn là người cách tân đấy, đột phá, thay đổi quan niệm về tranh lụa”, ông Đoàn nói.
Ông Đoàn cũng cho hay để thay đổi quan điểm mỹ thuật Đông Dương làm chuẩn rất khó. Bản thân ông khi làm bài tốt nghiệp đã chọn một tác phẩm tranh lụa có nhiều tông màu đỏ khác nhau và chỉ được 7 điểm vì người chấm thấy khó chấp nhận. Mãi đến tận năm 1980, ông mới được giải A của triển lãm mỹ thuật toàn quốc với tác phẩm Chiều trên đảo Hòn Tre. “Chiều trên đảo Hòn Tre rất nhiều sắc màu đỏ. Quan điểm của tôi là lụa vẫn cứ là lụa, không mất đi chất thơ. Còn cảm nhận thị giác màu là sáng tạo của họa sĩ, nếu không thay đổi thì mãi mãi không thay đổi được”.
Theo họa sĩ Vũ Đình Tuấn, kỹ thuật vẽ lụa hiện nay vô cùng đa dạng, phong phú, đạt hiệu quả thị giác rất cao, tôn vinh được mọi khả năng biểu cảm đặc trưng trong trẻo của nền lụa óng ả. “Tùy thuộc vào gu tạo hình, cá tính mà các tác giả dùng kỹ thuật vẽ truyền thống nhiều hay ít. Xu hướng hiện nay là tìm ra các lối, kỹ thuật vẽ cá nhân để thích ứng với lý tưởng tạo hình của nghệ sĩ”, ông Tuấn chia sẻ. Cũng theo ông Tuấn: “Lụa đang có sức sống mạnh mẽ. Các tác giả tìm tòi ra nhiều hướng biểu đạt mới cho lụa. Nói ngắn gọn là lụa đang được các họa sĩ khai thác đến tận cùng vẻ đẹp và khả năng biểu cảm vô cùng của nó”.
Ông Vi Kiến Thành đánh giá thị trường tranh lụa rất hứa hẹn, họa sĩ bán tranh tốt. “Bùi Tiến Tuấn ở TP.HCM, Vũ Đình Tuấn ở Hà Nội đều bán tranh tốt”, ông nói. Ông Thành cũng nhắc tới việc họa sĩ Vũ Đình Tuấn vừa góp mặt trong triển lãm Tác phẩm các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật VN (tháng 8.2020) và mới đây là triển lãm Ngày - Đêm tại Vietart (Hà Nội) của nhóm Lụa+ gồm các họa sĩ cũng là giảng viên ĐH Mỹ thuật VN như: Vũ Đình Tuấn, Trần Hoàng Sơn, Lưu Chí Hiếu...
Trong khi đó, theo ông Vũ Đình Tuấn: “Thị trường tranh lụa hiện nay rất tốt, khởi sắc. Người sưu tập quan tâm đến tranh lụa ngày càng nhiều. Thậm chí, có không ít nhà sưu tập bắt đầu chỉ tập trung vào chất liệu lụa. Những tác giả sáng tác lụa có sức hấp dẫn, độc đáo luôn được nhà sưu tập săn lùng, chờ đợi các tác phẩm mới tiếp theo của họ. Giá tranh lụa cũng cao tương đương, thậm chí có lúc còn cao hơn so với tranh các chất liệu khác”.
Bình luận (0)