Nếp nhà

Mỗi lần có ai hỏi nhà mày có bao nhiêu người? Mười lần như chục, tôi đều đưa bàn tay lên lầm bầm nhẩm tính rồi mới trả lời. Chứ không là sót như chơi.

Tổng cộng mười bốn đứa ra đời, chưa tính những anh chị em chưa kịp thấy mặt trời. Nghe tới nhiêu đó thôi ai cũng xiểng niểng cả người. Đẻ chi mà dữ thế? Giờ mình có hai đứa thôi mà dập bầm nuôi hổng nổi.
Dì Tám kể, không thấy mặt má bây thì thôi, chứ thấy mặt là chửa đẻ. Mà cũng lạ, vừa ra khỏi giường cữ là chỉ mạnh khù, bắt tay chân vô làm việc liền rồi… chửa tiếp. Tụi bây thì có tụi tao lo, không thì đứa lớn xoay vòng lo cho đứa nhỏ.
Chị dâu tôi bảo, hồi đó không có lạy mẹ cha, chớ không là tui lạy luôn chú rồi. Mẹ chồng với con dâu cùng vác cái bụng thè lè. Tới lúc sinh, hai chú cháu cách nhau đâu vài tháng. Má bán buôn ngoài chợ cả ngày, nên tôi chủ yếu lớn lên trong vòng tay anh chị. Anh này ẵm, chị kia bồng, cõng trên lưng lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm. Mấy chị cứ than hoài, tui ẵm cậu chai hết cả hông, thỉnh thoảng lại leo lên đầu tụi tui ngồi, giờ cao hổng nổi.

tin liên quan

Bún cá Ninh Hòa
Người dân Ninh Hòa (Khánh Hòa) không ai không biết món bún cá. Dù xa quê đã bao nhiêu năm nhưng tôi không bao giờ quên hương vị món ăn này.
Vậy mà chúng tôi vẫn ăn ngủ đều đặn, lớn phây phây, tới lớp tới trường đàng hoàng. Lớn lên ra đời chẳng làm ông này bà kia, nhưng cũng đủ ăn, không cờ bạc rượu chè, hay lêu lổng xó chợ đầu đường. Tất cả đều nhờ công ơn của ba má.
Ba hiền thí mồ. Mỗi lần ổng nổi sung thiên, đi lấy cây roi là tụi tôi bỏ chạy tứ lung tung, hổng ngu gì đứng yên cho bị đánh. Má thì khác. Lớn nhỏ gì cũng rét run mỗi khi má lên cơn giận dữ. Mà phải đứng im cho đánh nhen, đứa nào bỏ chạy, má rượt theo đánh càng sung, quất túi bụi khi nào đã giận mới thôi. Nhiều khi bực mình, giận một đứa, má lôi cả bầy ra, bắt xếp hàng lấy roi quất.
Cái roi mây treo trên chái bếp trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi của mười mấy đứa con. Trên lưng con lằn dọc lằn ngang chi chít. Thấm đòn. Đau. Khóc thút thít. Nửa đêm cựa mình thức giấc, má ngồi lặng lẽ bên ngọn đèn hột vịt, lấy bông gòn thấm rượu, lần theo từng dấu roi thoa cho dịu cơn đau. Rát. Con giật mình. Má xoa đầu, đau không bây? Mai mốt đừng lì nữa nhen. Có ghét má hông? Má à, mấy chục năm rồi, bết bầm da thịt nào cũng lành lặn hết rồi, cây roi mây không ai bẻ cũng gãy làm đôi, tụi con thương không hết làm sao ghét cho đành, hả má?
Để quản lý mười mấy đứa con quậy trời gầm, ngoài cây roi mây, má luôn có những luật lệ bất thành văn, mà chúng tôi gọi đó là nếp nhà, mãi ghi trong tim, khắc sâu trong dạ.
Cái lon sữa bò múc gạo bao giờ cũng ngửa lên trời, không được úp xuống. Má bảo vậy mới đón được vận may vô nhà, buôn may bán đắt. Bữa nào thấy cái lon úp ngược xuống thùng, má sẽ truy cho ra đứa nào vò gạo nấu cơm. Lần một thì tha, tới lần thứ hai coi bộ xong rồi, cái mông chắc dính vài lằn roi đau tới mấy ông trời ông đất.
Khi nấu cơm không được lấy đũa bếp gõ mạnh lên quả lò, cũng không được “dằn mâm xáng chén” ngay tại bếp. Bởi ông bà táo quân chịu khổ đội xoong nồi, phục vụ cho nhà mình rồi, làm như thế là không phải đạo. Tắm rửa xong phải đi me mé một bên, cấm trần truồng ngang qua bếp. Không được nói bậy bạ, tục tĩu, chụm đốt đồ dơ, hay đùa giỡn trước mặt ông lò. Con gái tới kinh kỳ thì làm ơn né cái bếp ra, không được chui vô trỏng. Hễ bọn tôi nóng đầu, ấm trán, ba má lại nhủ thầm do chọc giận ông lò. Lật đật xuống thắp nhang, mong ông bà đừng quở.
Mỗi lần tới giờ cơm cả bọn phải về nhà cho đủ mặt. Tôi nhỏ nhất nên lãnh phần đi kêu anh chị về bởi đó là lúc hiếm hoi tụ họp. Nhưng cái chính là sợ… thiếu đồ ăn. Mười mấy người ngồi bên mâm cơm, nhường nhịn nhau chén cơm, con cá, miếng rau thì trước sau cũng đủ. Chứ người trước, kẻ sau, phải nhín lại múc bỏ bỏ gạc-măng-rê để dành rồi không sớm thì muộn thì đồ ăn cũng thiếu.
Cơm nước xong, dọn ra nền nhà, Tài ơi Tài hỡi, kêu tụi nó về ăn cơm. Thế là ba chân bốn cẳng, tôi phải đi khắp nơi, đầu trên xóm dưới kêu cho đủ mặt về nhà ăn cơm. Anh chị nào ham chơi ậm ừ không chịu về, chỉ cần nói câu thần chú, tui về méc má cho coi. Thế là mặt mày biến sắc, ba chân bốn cẳng chạy về ngay tức khắc.
Bắt đầu bữa ăn, tụi tôi không phải cất tiếng mời, nhưng không đứa nào được cầm đũa gắp đồ ăn khi ba má hay anh chị lớn nhất nhà lua cơm trước. Khi ăn, không được vừa nhai cơm vừa tắc lưỡi hay nói cười rổn rảng khi nhai, nước miếng nước mồm văng tứ lung tung. Ăn cho xong muốn nói gì cũng được. Nói chuyện với người lớn phải dạ thưa đàng hoàng, không được nói trỏng không hay nói leo theo.
Ăn bạt tai như chơi. Khi lua cơm không được gõ đũa muỗng vô miệng chén kêu lách cách, y như tiếng gọi người cõi dưới trở về. Muốn múc canh hay bới thêm cơm, nhất định phải bỏ đũa xuống rồi mới làm, chứ vừa cầm đũa vừa cầm muỗng, chọt trúng người này người kia, lỡ họ cầm không chặt rớt chén cơm xuống mâm càng khổ.
Cả nhà xếp bằng quanh mâm cơm. Đâu có gì nhiều nhỏi, lúc thì nồi canh cá liệt nấu ngọt với thơm và hành ngò, không thì nấu chua vò lá me thêm vài cọng ngổ. Bữa nào thịt rẻ, thì được ăn sang bằng thịt ba chỉ kho tiêu, ngon nhưng cay xé họng. Có bữa mê ly với xoong cá ồ nấu mẳn, kho không ra kho, canh chẳng ra canh, nhưng trời ơi bắt cơm kinh khủng.
Những khi sông êm gió lặng, ba đi thả lưới về, mặc sức mà có cá sông, cá đồng ăn thả giàn. Cứ cá trắng kho với tương hột và lá gừng, canh chua cá trầu, chình um với khổ qua, cà dĩa, thơm, hành ngò, thêm mớ ngổ thơm lừng. Bữa nào câu được nhiều cá rô, ba bắt lửa than, nướng cho cháy lớp da, lóc thịt, bỏ xương, trộn với é trắng, me non, khế chua, hành ngò, giã nhuyễn thành món cá rô đâm sóc, ăn với cơm nóng hay bánh tráng biển nướng giòn. Phải nói là thiên hạ vô địch.
Ba má đã ra đi một chuyến không về, có nhớ thương cũng chỉ nhìn thấy nhau qua những giấc mơ chắp vá. Anh chị có người đã ngoài sáu mươi. Tôi nhỏ nhất nhà cũng hơn ba chục. Chúng tôi mỗi đứa mỗi nơi, mỗi người một hoàn cảnh. Đứa ở quê có vợ có chồng, đẻ cái sinh con, làm bánh, nấu rượu đắp đổi qua ngày, đứa miệt mài ở đất nước người ta, tha hương cầu thực. Căn nhà ngày nào bọn tôi quây quần ăn ngủ cùng nhau giờ ngăn bảy xẻ tư, chia anh chị mỗi người một chút.
Mỗi lần về, nhìn rui mè còn sót lại của ba, mái ngói phủ đầy rêu xanh của má, cái gạc măng rê mối mọt gặm mòn, chén đĩa tách ly sứt cán mẻ quai nhưng thiệt tình không nỡ bỏ. Những lúc quây quần bên bữa cơm chiều, hay mâm cúng giỗ ông bà, chúng tôi tóc đã hoa râm, gương mặt dày dạn gió sương, ngậm ngùi nhắc chuyện má với ba, mắt mũi bỗng thấy cay xè, có ai đánh đòn đau đâu mà tự nhiên hu hu ngồi khóc.
Những nếp nhà năm xưa giờ không ai biểu ai bày, cũng chẳng có đòn roi căn dặn, nhưng chúng tôi vẫn thực hiện đủ đầy, rồi tiếp tục dạy dỗ cháu con, không sót một mảy may nào hết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.