Nếp nhà

Vẫn lăn tăn quá nên hôm rồi tôi mới hỏi: “Mày dạy con cách chi giỏi rứa Thịnh?”. Nó cười cười: “Chẳng dạy gì được ông, căn bản là chỗ nếp nhà. Nhà phải giữ được cái nếp!”.

Nếp nhà? Hai từ này xưa như trái đất sao hôm nay nghe mới vậy ta?
Thời ở bộ đội, tôi có người bạn cũng tên là Thịnh, Lê Tấn Thịnh, biệt danh là Thịnh voi. Không phải vì hắn to mà gọi là voi mà vì hắn khỏe dù người cũng chỉ tầm tầm như tôi.
Trên đường hành quân vào Nam, mỗi ngày phải xuyên rừng 30 km để đến một binh trạm khác, đứa nào sốt rét, nó cũng chất hết ba lô, một bao tượng gạo, một khẩu AK, hai trái lựu đạn và một cơ số đạn 72 viên lên người ngoài những thứ nó mang, thế mà nó cứ phăm phăm đi đầu.
Xuất ngũ, đơn vị cho đi ôn văn hóa để thi đại học, nó xin về quê và đi thu gom sắt vụn. Thoạt đầu chỉ tự mình, sau đó thì thuê thêm người lên tận biên giới mua từ xác ô tô, mảnh bom... nói chung thứ gì có... sắt.
Làm báo nên tôi được đi nhiều và có điều kiện gặp nó nhiều hơn so với các đồng đội khác. Nhà nó ở trên sườn đồi, trong một cánh rừng do nó tự chăm cây dại cho tốt lên, một ngôi nhà chừng 60 mét vuông, tự nó vác đá từ suối về dùng xi măng gắn lại làm bờ tường, trên lợp lá cọ. Cạnh nhà là dòng suối nhỏ được ngăn lại làm hồ nuôi cá.
Chỉ hai vợ chồng ở với nhau, 3 đứa con đều gửi ở quê cho bố mẹ.
Cách đây chừng 10 năm, tôi đến nhà, ngôi nhà vẫn y như thế.
Bạn bè đến độ tuổi tri thiên mệnh nên hàn huyên thâu đêm vẫn không hết chuyện.
Khi về, nó kêu vợ xách ra cái túi, đặt trên chõng tre, cạnh chỗ tôi ngồi, nói: “Mày mang về, tự mày biết làm gì”. Tôi ngạc nhiên, hỏi: “Là gì?”. Nó thủng thẳng: “Trong đó có 1 tỉ đồng”.
Tôi choáng đến cấp độ 6.
*
Ngày thằng Thành con nó vào Đại học Sư phạm Đà Nẵng, đến nhờ bác thuê cho cái phòng trọ ở ghép, thuê được, dọn phòng xong, đưa cho nó mấy món đồ cũ từ nhà mình, nhà tôi kêu nó đi ăn, gọi là liên hoan. Món gì Thành cũng nói là lần đầu tiên nhìn thấy cả.
Lâu sau bác cháu thân tình rồi, tôi làm như vô tình, nói: “Trong mấy đứa đi bộ đội với nhau, ba cháu vất vả nhất. Người ta bảo ai làm việc gì cũng giỏi thường là số khổ”. Nó cười.
Hỏi, sao cháu học sư phạm? Nó cũng cười: “Con học để sau này về điều hành trường cho ba khỏi thuê”. Tôi ớ ra: “Trường nào?”. Trời đất, hóa ra cái trường phổ thông chất lượng cao đình đám xưa nay là trường của thằng Thịnh, Lê Tấn Thịnh bạn tôi đầu tư.
Đến nước đó thì tôi không thể kiềm chế, mới dùng chiêu thức nghiệp vụ để khai thác thằng nhỏ. Hỏi đến đâu, nó nói đến đấy, nhưng sắc diện vẫn không thay đổi.
Con biết ba con giàu? Dạ biết! Giàu cỡ nào, bằng ông Hoài (một đại gia) không? Dạ, chắc hơn chứ bác! Sao ba mẹ con không về thành phố ở? Ba mẹ thích thế! Sao con phải ở ghép với bạn, ba không cho tiền à? Con thích thế! Thế... ba thường mua cho con thứ gì? Dạ, sách! Con đọc nhiều không? Cũng khá bác ạ!
Tôi làm như vô tình kể mấy câu chuyện trong những quyển sách đã đọc, thường thì nhớ cốt truyện chứ không nhớ tên nhân vật, nó nhắc liền.
Tôi đùa, bác học nhiều mà không bằng ba con học “Harvard đường phố”. Thằng Thành lại cười: “Ổng được cái nhìn đâu cũng ra tiền bác ạ”. Nhưng mà bác này, ổng nói, bác viết Facebook rất có ý tưởng, con nói, nhiều người viết hay hơn bác, ổng không chịu, nói hay là khác, ý tưởng là khác.
Một lần nữa tôi ớ người ra: “Ủa, ba mày cũng đọc Facebook?”. “Cái chi ổng cũng biết, bác ơi!”.
*
Khi thằng Thành học năm cuối thì em gái nó học Khoa Lâm sinh Đại học Nông nghiệp Huế năm 2 và út mới vào Khoa Môi trường năm nhất.
Tôi hỏi Thành: “Sao tụi con toàn chọn ngành không giống ai?”. Thành đáp: “Là mấy đứa con tự chọn đó bác. Bé Thắm nó bảo sau này nó về quản rừng cho ba, còn thằng Thủy thì... nó ưa... nhặt rác, nó bảo nó ghét rác lắm nên phải nhặt. Thằng Thành nói đùa thế nhưng tôi hiểu, không thể đùa với bọn nhỏ nhà bạn tôi.
Mãi sau này, khi điều hành cái quỹ nghĩa tình đồng đội từ số tiền 1 tỉ Thịnh đưa, nhiều lần gặp Thịnh, tôi mới biết nó sở hữu hàng trăm héc ta rừng trồng ở nhiều tỉnh từ cái thời đất đai còn trống huơ trống hoác. Trong số đó có một diện tích lớn trồng huê đỏ, thứ gỗ mà người ta ví đắt ngang vàng, đã 30 năm tuổi. Và vô vàn thứ mà tôi chưa từng nghĩ đến.
Cuối cùng, tôi mang điều làm tôi lăn tăn nhất hỏi thằng Thành: “Ba con thường khuyên tụi con những gì?”. Thành bảo, ba mẹ chỉ dặn:” Nghe ông bà nội nói và đọc sách thiên hạ viết”. “Gì nữa?”. Thì có mấy điều ba hay nói: “Nhà trống cửa nhưng cũng phải xin phép mới bước vào. Không phải của mình thì không đụng đến. Thông minh thì trẻ cũng thông minh nhưng kinh nghiệm thì phải sống mới có, muốn có nhanh thì phải học người đi trước. Nhìn thấy cái gì cũng phải hỏi vì sao nó thế này mà không phải thế kia...”. Đại để là thế đó bác.
Tôi vẫn chưa hết lăn tăn: “Thế, bác ví dụ, ba con có thể mua cho con cái căn hộ chung cư hoặc chí ít con có thể ở phòng riêng cho tự do, sao con ở ghép?”. Thằng Thành ngước mắt lên: “ Ở ghép con thấy vui mà bác?”.
Chưa xong, vẫn lăn tăn tiếp: “Sao ba con không cho đứa nào đi học nước ngoài?”. “Không phải không cho bác, ba mẹ luôn nói, tụi con nên làm cái gì mình thấy thích. Con thấy con phải học xong một đại học, đi làm cái đã, sau thấy thiếu cái gì mình đi học tiếp. Trong nước chưa có thì tụi con đi nước ngoài học. Chứ giờ thì chưa. Con thấy bao nhiêu người đi học nước ngoài về vẫn làm thuê cho ba con đó mà bác?”.
*
Cho đến giờ, tôi có thể đã hiểu được đôi chút về thằng Thịnh, ở khía cạnh nó rất giàu nhưng vẫn mặc quần áo bộ đội cũ, đi dép tông Lào, ở nhà đá suối tự xây lợp bằng lá cọ, nhưng tôi không thể hiểu nó dạy con kiểu nào để con không đua đòi như lớp trẻ.
Vẫn lăn tăn quá đi, nên hôm rồi tôi mới hỏi nó: “Mày dạy con cách chi giỏi rứa Thịnh. Đúng là tụi nó “vượt giàu học giỏi?”. Nó cười cười: “Chẳng dạy gì được ông, căn bản là chỗ nếp nhà. Nhà phải giữ được cái nếp!”.
Nếp nhà? Hai từ này xưa như trái đất sao hôm nay nghe mới vậy ta?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.