Nếu bỏ xét tuyển sớm, thí sinh đăng ký đại học ra sao?

Hà Ánh
Hà Ánh
08/12/2024 17:38 GMT+7

Để tạo sự công bằng, Bộ GD-ĐT đang xem xét giảm tỷ lệ được xét tuyển sớm hoặc bỏ luôn hình thức xét tuyển sớm. Nếu bỏ xét tuyển sớm, việc đăng ký đại học của thí sinh sẽ ra sao?

Nếu bỏ xét tuyển sớm, thí sinh đăng ký đại học ra sao?- Ảnh 1.

Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT đang nhận được nhiều sự quan tâm từ phía người học

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Xem xét giảm tỷ lệ hoặc bỏ luôn xét tuyển sớm

Trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học (ĐH), tuyển sinh trình độ cao đẳng (CĐ) ngành giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT dự kiến sửa đổi, bổ sung 2 khoản trong Điều 18 quy chế hiện hành về tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm.

Dự thảo nêu, cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo. Trường bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.

Điểm mới này thu hút sự quan tâm của không chỉ cơ sở đào tạo mà còn của thí sinh trước mùa tuyển sinh ĐH năm 2025. Sau một thời gian lấy ý kiến, đại diện các trường ĐH bày tỏ quan điểm khác nhau xung quanh quy định này. Trong khi không ít trường hợp tỏ ra lo lắng việc giảm chỉ tiêu hay xét tuyển sớm ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh thì cũng có một số ý kiến bày tỏ sự ủng hộ thậm chí đề nghị bỏ xét tuyển sớm để thực hiện một đợt xét tuyển chung.

Chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 7.12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, nhiều ý kiến của các chuyên gia, người làm công tác tuyển sinh đề nghị bỏ xét tuyển sớm. Bộ sẽ cân nhắc điều này, xem xét nên rút ngắn tỷ lệ này hay bỏ xét tuyển sớm để tạo sự công bằng, ông Sơn cho hay.

Có tác động đến việc xét tuyển của thí sinh?

Như vậy, trường hợp không còn xét tuyển sớm, các trường ĐH sẽ thực hiện một đợt xét tuyển chung cho tất cả các phương thức theo quy định của Bộ GD-ĐT. Trong khoảng thời gian quy định này, các trường đồng thời nhận hồ sơ xét tuyển vào trường bằng nhiều phương thức khác nhau: điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm học tập THPT, điểm kỳ thi đánh giá năng lực, điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt…

Trường hợp bỏ xét tuyển sớm, việc đăng ký xét tuyển ĐH trong năm tuyển sinh 2025 sẽ thế nào, là một câu hỏi được đặt ra từ phía người học. Theo đại diện một số trường ĐH, việc bỏ xét tuyển sớm cũng không làm thay đổi việc chọn môn thi hay phương thức xét tuyển của thí sinh.

PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng trường hợp bỏ luôn hình thức xét tuyển sớm trong tuyển sinh ĐH năm 2025 thì cũng không ảnh hưởng đến việc tham gia xét tuyển ĐH bằng các phương thức của thí sinh. Theo PGS Phúc, như năm 2024, thí sinh dù trúng tuyển có điều kiện xét tuyển sớm, cũng thực hiện việc đăng ký lại nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT trong đợt 1. Năm tới, nếu không còn xét tuyển sớm, việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vẫn có thể thực hiện theo hình thức đó. Thí sinh có thể tham gia xét tuyển vào nhiều trường, bằng nhiều phương thức và đặt nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên.

"Hình thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển cơ bản không đổi, có chăng sự thay đổi là tâm lý của thí sinh. Nếu đã trúng tuyển có điều kiện bằng phương thức ở giai đoạn xét tuyển sớm, thí sinh có thể an tâm hơn khi thực hiện đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung", PGS Phúc nhận định.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng chia sẻ: "Nếu có trường hợp bỏ xét tuyển sớm, điều này cũng sẽ không ảnh hưởng đến việc lựa chọn môn học của thí sinh trong việc xét tuyển vào ĐH. Bởi lẽ, các trường vẫn không thay đổi các phương thức xét tuyển mà chỉ điều chỉnh thời gian xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT".

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Quốc Anh, nếu như những năm qua các thí sinh được giảm áp lực thi cử vì phần lớn thí sinh có kết quả trúng tuyển vào các trường ĐH trước khi tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, thì với việc bỏ xét tuyển sớm năm tới chắc chắn sẽ ảnh hưởng một phần đến tâm lý của thí sinh và gia tăng áp lực thi cử do khi đó thí sinh chưa xác định được khả năng trúng tuyển của mình.

Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non được Bộ GD-ĐT công bố lấy ý kiến từ ngày 22.11 và kết thúc ngày 22.1.2025.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.