Nếu có dư luận xấu, sẽ lấy phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó giữa nhiệm kỳ?

Bích Thanh
Bích Thanh
15/02/2023 15:53 GMT+7

Ông Tống Phước Lộc, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết từ năm học này Sở sẽ tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, đánh giá, sử dụng và bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó trường học.

Nếu có dư luận xấu sẽ lấy phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó giữa nhiệm kỳ? - Ảnh 1.

Ứng viên tham gia thi tuyển vị trí hiệu trưởng, hiệu phó tại TP.HCM vào tháng 10.2022

BÍCH THANH

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên ngày 15.2, ông Tống Phước Lộc, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết trong năm học này, Sở sẽ nghiên cứu đề xuất việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ với hiệu trưởng, hiệu phó giảm sút về uy tín, điều hành công việc nhà trường thiếu hiệu quả, có dư luận xấu kéo dài làm ảnh hưởng đến uy tín của trường và ngành giáo dục.

Theo đó, hiện nay việc lấy phiếu tín nhiệm thực hiện bổ nhiệm lại cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục được thực hiện vào cuối mỗi nhiệm kỳ. Tuy nhiên, năm nay Sở GD-ĐT sẽ nghiên cứu, đề xuất lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ với cán bộ quản lý giảm sút về uy tín, điều hành công việc nhà trường thiếu hiệu quả, có dư luận xấu kéo dài làm ảnh hưởng đến uy tín của trường và ngành giáo dục.

Cũng theo ông Lộc, để được bổ nhiệm lại, cán bộ quản lý phải đảm bảo đủ các điều kiện như hoàn thành nhiệm vụ trong thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định của cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm bổ nhiệm lại; Cơ quan, tổ chức có nhu cầu về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao; không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, ông Lộc nói rằng, hiệu trưởng phải xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, việc quản lý đơn vị cần tuân thủ theo đúng pháp luật, quy trình; các khiếu nại, phản ánh của giáo viên phải được lắng nghe, giải quyết thỏa đáng; xây dựng văn hóa cơ sở, quy tắc ứng xử phù hợp với đơn vị nhà trường...

Thời gian vừa qua, các cơ sở giáo dục đã phát huy tối đa tính dân chủ trong đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó tại cơ sở. Trên thực tế, một số trường hợp cá biệt hiệu trưởng, hiệu phó đến cuối nhiệm kỳ đã không được bổ nhiệm lại vì tín nhiệm thấp.

Trong khi đó, theo người phụ trách công tác cán bộ của Sở GD-ĐT, muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì trước hết phải nâng cao được chất lượng đội ngũ, đặc biệt là đội ngũ hiệu trưởng, hiệu phó, tránh sức ỳ, đảm bảo lựa chọn được những cán bộ quản lý có đức, có tài.

Bên cạnh chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó giữa nhiệm kỳ thì trong năm học 2022-2023, lần đầu tiên Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức thi tuyển vị trí hiệu phó 3 trường THPT là An Nghĩa (huyện Cần Giờ), An Nhơn Tây và Quang Trung (huyện Củ Chi) vào tháng 10.2022.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, việc thay đổi hình thức bổ nhiệm vị trí hiệu phó trường học là nhằm mong muốn đội ngũ cán bộ quản lý các trường THPT có năng lực về chuyên môn, giỏi nghiệp vụ quản lý, có đủ trình độ để chuyển đổi mô hình quản lý, hướng đến việc phát triển nhà trường theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế.

Ông Hiếu bày tỏ hy vọng việc tổ chức kỳ thi như thế này sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong đội ngũ cán bộ quản lý được quy hoạch, không còn tâm lý chủ quan nếu đã được quy hoạch thì chỉ cần thể hiện năng lực trong trường là được bổ nhiệm. Và cũng thông qua hình thức thi tuyển vị trí hiệu trưởng, hiệu phó, nhiều ứng viên ở các đơn vị khác nhau có thể tham gia, tạo sự cạnh tranh để hội đồng tuyển dụng có thể lựa chọn cán bộ quản lý tốt hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.