Sáng 16.11, Quốc hội thảo luận về luật Giao thông đường bộ sửa đổi do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo trước khi thảo luận về luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Đây là 2 dự án luật được tách ra từ luật Giao thông đường bộ sửa đổi và cùng trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp với thay đổi lớn nhất của việc tách luật là chuyển thẩm quyền quản lý sát hạch, đào tạo cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT về Bộ Công an.
"Chính phủ cũng nửa vời khi để 2 phương án cho Quốc hội thảo luận"
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), cơ sở chính trị, pháp lý mà báo cáo của Chính phủ viện dẫn để tách luật không đúng nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị 18 năm 2012 là “tiến hành rà soát để sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn giao thông phù hợp tình hình mới”.
“
Ban Bí thư có yêu cầu phải nghiên cứu để xây dựng riêng luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, chuyển nhiệm vụ có tính chất dân sự là cấp giấy phép lái xe cho công dân để công an thực hiện không? Chưa nói đến chương trình luật, pháp lệnh năm 2020 Quốc hội đã thống nhất là sửa đổi luật Giao thông đường bộ chứ không phải là 2 luật”, ông Thắng nêu.
Cùng quan điểm, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, Chính phủ cũng không thống nhất được việc tách luật Giao thông đường bộ làm 2 và để 2 phương án để Quốc hội thảo luận.
“Tôi thấy có vẻ việc này Chính phủ làm nó cũng nửa vời khi để cho Quốc hội thảo luận”, ông Xuyền nói và cho rằng, Quốc hội không phải là cơ quan làm chính sách nên không thể "hiểu rõ đầu đuôi" câu chuyện để thảo luận một cách thấu đáo.
Đại biểu Xuyền cũng phân tích, luật Giao thông đường bộ có phạm vi điều chỉnh là kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông đường bộ, người tham gia giao thông, quy tắc giao thông đường bộ. Đây là 4 thành tố thống nhất, gắn kết chặt chẽ, đảm bảo chất lượng an toàn giao thông đường bộ.
“Tách ra thì trở nên khô cứng và vô nghĩa”, đại biểu Xuyền nói, đồng thời khẳng định, việc tách luật sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy, do đó, ông không đồng tình với việc tách luật.
Đề nghị lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tách luật
Cùng quan điểm không nên tách luật, nhiều đại biểu cho rằng, việc tách luật và đưa luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ vào chương trình kỳ họp lần này là chưa tuân thủ các thủ tục về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng, luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã không tuân thủ luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết bổ sung vào chương trình luật.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị)
|
Theo đại biểu Giang, điểm b khoản 1 điều 151
luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì khi bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật phải thỏa mãn 3 điều kiện: thứ nhất là đáp ứng yêu cầu cấp thiết về
phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân; thứ 2, luật cần sửa đổi đảm bảo văn bản mới ban hành, thống nhất phát luật; thứ 3 là đảm bảo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo đại biểu tỉnh Cà Mau, chiếu theo quy định của điều trên, thì tách 2 luật này không thoả mãn các điều kiện vừa. Do đó, đại biểu Giang cho rằng, chiếu theo khoản 2 điều 51 về bổ sung chương trình xây dựng luật thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất song không được thông báo với đại biểu Quốc hội.
Từ đó, đại biểu Giang đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo việc này ra Quốc hội xem xét theo đúng thẩm quyền, đồng thời Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban
Quốc phòng An ninh giải trình rõ vì sao không tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và bỏ qua quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đưa luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông xem xét tại kỳ họp lần này.
Từ đó, đại biểu Giang đề nghị chủ tọa kỳ họp xin ý kiến đại biểu Quốc hội xem có tách 2 luật hay không. Nếu đồng ý tách thì chiều nay mới thảo luận tiếp luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Nếu không đồng ý thì chiều nay Quốc hội không thảo luận tiếp.
Nếu cứ có giấy tờ giả lại chuyển sang bộ khác quản lý thì rối xã hội
Vấn đề chuyển việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang
Bộ Công an dù được quy định trong luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ thảo luận trong chiều nay, song nhiều đại biểu cũng không đồng tình.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, việc chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe mô tô, ô tô từ Bộ GTVT sang bộ Công an là chưa thuyết phục.
Đại biểu Sinh cho rằng, việc chuyển đổi này không phù hợp với chủ trương của Đảng, bởi theo chủ trương của Ban Chấp hành T.Ư Đảng thì một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ khác quản lý nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong khi đó, từ năm 1995 tới nay, ngành GTVT đang thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Quảng Trị cho rằng, hiện nay, ngành GTVT có 2.200 cán bộ công chức, viên chức đang nhận nhiệm vụ trong lĩnh vực này. Nếu chuyển sang Bộ Công an thì phải sắp xếp công việc cho lực lượng này trong khi Bộ Công an phải bổ sung lực lượng để tiếp nhận công việc mới.
“Toàn bộ cơ sở vật chất giá trị hàng nghìn tỉ đồng của ngành GTVT có nguy cơ lãng phí trong khi Bộ Công an phải đầu tư trang thiết bị bổ sung, gây tốn kém ngân sách”, đại biểu Sinh phân tích.
Ông Sinh cũng cho rằng, thực tế hiện nay tất cả các văn bản giấy tờ đều có thể làm giả, thậm chí cả tiền giả, vậy thì giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu, hộ chiếu, chứng minh thư cũng không ngoại lệ.
“Nếu như cứ xuất hiện giấy tờ giả, tiền giả đang thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan này mà lại chuyển sang trách nhiệm của cơ quan quản lý khác thì rất không hợp lý, gây rối xã hội”, ông nói.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (
Quảng Bình) thì đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến đại biểu Quốc hội cả 2 việc. Ngoài việc tách hay không tách luật Giao thông đường bộ sửa đổi thành 2 luật thì lấy ý kiến đại biểu Quốc hội cả việc chuyển thẩm quyền đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
Trước đó, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 chỉ có tên luật Giao thông đường bộ sửa đổi do Bộ GTVT là cơ quan chủ trì soạn thảo.
Tuy nhiên, sát kỳ họp, Chính phủ đề nghị tách luật Giao thông đường bộ sửa đổi thành 2 dự án luật: luật Giao thông đường bộ sửa đổi vẫn do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo và luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
|
Bình luận (0)