'Nếu không đổi mới cán bộ thì không thể đổi mới nền kinh tế'

01/11/2014 18:30 GMT+7

(TNO) Đóng góp ý kiến cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chiều nay (1.11), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng cần phải tổ chức lại bộ máy, cán bộ, chống tham nhũng thì quá trình này mới hiệu quả.

>> Tái cơ cấu kinh tế chậm, chưa rõ nét

 
ĐB Nguyễn Văn Hiến đặt vấn đề tái cơ cấu tổ chức bộ máy và tái cơ cấu trách nhiệm - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), trong tái cơ cấu kinh tế, về đầu tư công, Nhà nước cần giảm cơ chế cấp vốn mà tăng cơ chế tín dụng vì đồng tiền đi vay dù sao cũng sẽ được cân nhắc sử dụng có trách nhiệm hơn đồng tiền được cấp. Đồng thời phải gắn thẩm quyền với trách nhiệm, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng trong đầu tư để giảm những chi phí vô lý, trái pháp luật.

 
Đất nước ta không thiếu những người tâm huyết, tài năng nhưng lại không có cơ hội và vị trí xứng đáng để đem năng lực ra giúp dân, giúp nước. Vì vậy, rất cần những giám khảo có tài, có đức, có tâm trong tuyển dụng cán bộ công chức chứ không thì nhiều người tài sẽ mãi không có vị trí, phải đứng thứ 4 sau 'hậu duệ, quan hệ và tiền tệ'

ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu)

ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng nhấn mạnh cần chống tham nhũng lãng phí trong đầu tư công.

ĐB Hiến đặt ra hàng loạt vấn đề cử tri bức xúc: “Chúng ta có cần cầu không? Cần, nhưng không cần những cây cầu dây văng lung linh, lập kỷ lục. Có cần sân bay không? Cần, nhưng lúc nào cần xây dựng lại và quy mô bao nhiêu? Có cần công trình văn hóa đến 2.300 tỉ nhưng giờ để cho thuê đám cưới hay phim trường cho phim kinh dị không? Tại sao chúng ta lại có những con đường đắt nhất thế giới?”.

Qua đó, ĐB Hiến đề nghị cần có tiêu chuẩn, định mức cho đầu tư công, chứ không đầu tư, chi tiêu cho các công trình hoành tráng không cần thiết.

Đồng thời, theo ĐB Hiến: "Nhiều người đặt vấn đề là tái cơ cấu doanh nghiệp, nền kinh tế nhưng tại sao lại không tái cơ cấu tổ chức bộ máy và tái cơ cấu trách nhiệm".

“Đất nước ta không thiếu những người tâm huyết, tài năng nhưng lại không có cơ hội và vị trí xứng đáng để đem năng lực ra giúp dân, giúp nước. Vì vậy, rất cần những giám khảo có tài, có đức, có tâm trong tuyển dụng cán bộ công chức chứ không thì nhiều người tài sẽ mãi không có vị trí, phải đứng thứ 4 sau 'hậu duệ, quan hệ và tiền tệ', ĐB Hiến nói.

Trong khi đó, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đánh giá trong quá khứ đầu tư công có quá nhiều khuyết tật. Hiện, về tái cơ cấu đầu tư công thì vẫn còn nhiều dự án không hiệu quả, công trình đã nghiệm thu nhưng chất lượng không như mong đợi.

Theo ĐB Ngân cần luật hóa để quy trách nhiệm trong việc phê duyệt đầu tư.

 
Nếu không đổi mới cán bộ thì không thể đổi mới nền kinh tế
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư
Bùi Quang Vinh
Mặt khác, ĐB Ngân cũng cho rằng tái cơ cấu DNNN không chỉ là chú trọng vào số lượng, phải sắp xếp bao nhiêu DN mà cần tăng hiệu quả hoạt động cho DNNN, tăng tự chủ cho DNNN, tránh việc có quá nhiều cơ quan, bộ ngành quản lý, can thiệp vào hoạt động DN nhưng khi có chuyện thì không ai chịu trách nhiệm. DNNN phải tự chịu trách nhiệm trước nhân dân về hiệu quả hoạt động của mình.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) kiến nghị tái cơ cấu đầu tư công phải phục vụ cho mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

“Cử tri nói rằng sao chỉ nghe các ông nói nhiều quá chỗ nào cũng kiên quyết. Vậy giờ chúng ta cần những giải pháp cụ thể để làm”, ĐB Lịch nói.

Phản hồi ý kiến của các ĐB, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết đánh giá rất cao ý kiến của các ĐB và “chúng tôi đều ghi lại các ý kiến để tiếp thu, điều chỉnh, nhiều ý kiến rất có giá trị”.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng nhìn nhận chất lượng của nền kinh tế của chúng ta đang có vấn đề và động lực tăng trưởng cũng có vấn đề. Chính phủ, Bộ Kế hoạch-Đầu tư yêu cầu các cấp, các ngành, lĩnh vực đều phải viết ra đề án tái cấu trúc của mình.

Đặc biệt, đại diện người đứng đầu Bộ Kế hoạch-Đầu tư cũng khẳng định: “Nếu không đổi mới cán bộ thì không thể đổi mới nền kinh tế”.

Nguyên Mi

>> Tái cơ cấu kinh tế chậm, chưa rõ nét
>> Tái cơ cấu ngân hàng đã đi đúng hướng
>> Quốc hội hiến kế giảm chi
>> Chạy trên 'đường ray cũ', kinh tế Việt Nam khó phát triển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.