(iHay) Sức nóng của dự án chặt 6.700 cây xanh ở Hà Nội chưa kịp dịu, đã dấy lên tin Thừa Thiên Huế sẽ chặt 3.500 cây xanh. Cũng may là dự án chặt cây ở Hà Nội đã được dừng, và thông tin chặt cây ở Huế đã được Chủ tịch TP xác nhận là hoàn toàn không có. Tôi tạm tin vào những điều đó.
>> Đến Huế đạp xe lên đồi Vọng Cảnh
|
Cách đây rất lâu tôi có dịp đọc cuốn The Giving Tree của Shel Silverstein và vẫn thích cho đến bây giờ. Qua hình ảnh một chiếc cây hy sinh tất cả cho một cậu bé, câu chuyện chuyển tải thông điệp về lòng vị tha, về việc cho đi không điều kiện. Cây biết vui, cây biết buồn. Cây có linh hồn. Hay như chia sẻ của nghệ sỹ thị giác Ly Hoàng Ly với hành động rất ý nghĩa khi kêu gọi mọi người hưởng ứng Performance – installation “ÔM CÂY - ÔM NGƯỜI TA YÊU THƯƠNG - ÔM CHÍNH MÌNH”: Cây là người.
Tưởng tượng cái ngày Huế chặt đi hết những hàng cây dưới đây, chuyến trở về của những đứa con Huế xa quê như tôi, hẳn đã mất đi hơn nửa phần ý nghĩa. Bên cạnh niềm vui thăm cha mẹ, thăm mộ phần ông bà, là những sáng, những chiều, những tối lang thang trên những con đường Huế ghi lại không biết bao nhiêu kỷ niệm tuổi học trò, sinh viên và một phần tuổi trẻ.
Nhà tôi ở trên dãy lầu Nguyễn Trường Tộ ngay chân cầu Phủ Cam, mỗi lần về ghé cà phê Gác Trịnh nhìn ra hàng long não xanh non, tôi lại như thấy được những buổi trưa hè đầy tiếng ve, lũ trẻ trốn ngủ trưa xóm tôi ngồi chơi banh thẻ, nhảy dây, đá kiện dưới tán long não in bóng trên dãy lầu.
Anh xích lô 25 năm sau gặp lại, vẫn đạp xích lô như ngày anh 17 tuổi. Gốc cây già như chứng nhân cả đời người. Huế ít thay đổi. Vẫn mong cuộc đời được đổi thay, nhưng những hàng cây con đường thì vẫn còn đó.
Con đường Ngô Quyền nhỏ, cây gần nhau tới nỗi như muốn ôm choàng nhau, tạo thành vòm mát có những chỗ không thấy cả khe trời, là nơi thở phào cho lũ bạn gái đạp xe đi học trưa nắng suốt quãng đời học sinh, sinh viên.
Dưới bóng mát của cây, thỉnh thoảng tôi gặp hình ảnh mệ già gánh đôi thúng đi bán dừng chân, ngồi vấn điếu Cẩm Lệ, tay vuốt mớ tóc bạc, vừa tàn nửa điếu lại lưng còng đứng dậy bán kịp về bữa cơm chiều. Hẳn những chỗ dừng chân ngắn ngủi đó đã cho những mảnh đời nghèo thêm chút sức lực đi tiếp quãng đường dài. Cây cho bóng mát, cây cho sức khỏe, cây cho những tiếng thở phào.
Có ông nhà văn nọ, thời tuổi trẻ ngang tàng “Ta khắc tên em trên gốc cây thông”, rồi đi mê mải phong trần, đi đi cho hết tuổi trẻ, qua bao thăng trầm, trở về “Ta lang thang tìm lại gốc thông già/Có ngờ đâu, rừng vẫn giữ giùm ta/Nét tên em dưới mũi dao ngày nọ /Và những gì em cho ta năm tháng cũ /Chìm trong cây thành một vết thương sâu”. Cây lưu giữ biết bao ký ức, có khi cả một đời người.
Riêng tôi, những lúc khó khăn trong cuộc sống, không hiểu sao hình ảnh hai hàng long não xanh một màu xanh khó tả trên đường Lê Lợi đoạn gần nhà ga, luôn hiện về. Và cho tôi một niềm tin, rằng dù mưa lạnh, dù giá rét đến đâu, thì hàng long não vẫn mãi mãi xanh, xanh như trong đêm mùa đông năm ấy.
|
Dạ Thư
>> Thanh tịnh như ấm trà cung đình Huế
>> Kể công' trái vả xứ Huế
>> Bất ngờ dưới cơn mưa Huế
Bình luận (0)