Thời gian qua, thị trường vàng có những diễn biến hết sức phức tạp, trong đó sự chênh lệch về giá vàng giao dịch giữa trong nước và thế giới rất lớn.
Buôn lậu sẽ tăng lên khi chênh lệch giá vàng cao
Chia sẻ tại tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 25.1, đề cập tới những "nút thắt" trong công tác quản lý thị trường vàng, GS - TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cho biết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (NĐ24) ra đời năm 2012.
Thời điểm đó, vàng đang được coi như một phương tiện thanh toán, gần như là tiêu dùng vàng thay cho tiền; hầu như những quan hệ giá trị lớn là quy thành vàng.
Chính phủ ban hành NĐ24 nhằm hạn chế tình trạng "vàng hóa", dùng vàng để thay thế các công cụ thanh toán. Những năm qua, NĐ24 đã phát huy tác dụng khá tốt, gần như chấn chỉnh được tình trạng dùng vàng làm công cụ giao dịch.
Tuy nhiên đến nay, kinh tế vĩ mô, quan hệ tài chính, tiền tệ, quan hệ quốc tế… có rất nhiều thay đổi, trong khi Việt Nam vẫn đang duy trì NĐ24.
NĐ24 quy định rất chặt chẽ: Nhà nước là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Theo ông Cường, những năm qua, hầu như Nhà nước lấy một thương hiệu vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia. "Trong bối cảnh cần có tích lũy mà vàng miếng là vàng tích lũy, vàng SJC lại được xác định là vàng thương hiệu quốc gia thì đương nhiên người dân tích lũy sẽ chọn vàng tin cậy nhất. Khi cung không có mà cầu có thực thì đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu và giá vàng sẽ tăng", ông Cường phân tích.
Theo Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch nhiều sẽ sinh lợi cho việc nhập lậu vàng, tình trạng buôn lậu sẽ tăng lên. "Buôn lậu tăng lên như thế rõ ràng không thể nói chúng ta quản lý tốt thị trường vàng; thất thu thuế, không tạo ra một thị trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng…", ông Cường nhấn mạnh.
Biến động vàng ngày 26.1: Giá vàng miếng SJC neo cao, mua lỗ ngay 2,5 triệu đồng/lượng
Ngân hàng Nhà nước không quản lý trực tiếp thị trường vàng?
Theo ông Cường, trong tình hình hiện nay rất cần có sự thay đổi về phương thức quản lý, chắc chắn phải nghĩ đến chuyện sửa đổi quy định NĐ24. "Có lẽ vàng là một hàng hóa khá thông thường, mọi người đều có thể sử dụng và Nhà nước không nhất thiết phải độc quyền. Tôi cho rằng phải xem lại xem có nhất thiết phải độc quyền hay không", ông Cường nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, chia sẻ: trên thế giới, theo khảo sát của hiệp hội và qua rất nhiều hội thảo, đồng thời hiệp hội cũng đã có cuộc làm việc với Hội đồng Vàng thế giới cho thấy, các nước trên thế giới, kể cả các nền kinh tế lớn, các ngân hàng T.Ư không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng. Bởi họ quan niệm vàng là một loại hàng hóa thông thường.
Các ngân hàng T.Ư ở các nước chỉ có vai trò dự trữ quốc gia, điều phối vàng như một tài sản để dự trữ quốc gia. Đây là một công cụ để bảo đảm an ninh tiền tệ. "Vai trò như là ngân hàng T.Ư trong NĐ24 phát huy trong thời điểm thị trường vàng có những lộn xộn. Đến bây giờ, chúng ta vẫn duy trì việc độc quyền vàng miếng SJC sẽ dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về giá vàng, mà thực tế đã chứng minh như vậy", ông Hùng nói.
Khẳng định hiện trên thị trường không ai sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán nữa, theo ông Hùng: "Nếu chúng ta quan niệm giống như các nước trên thế giới, vàng là một loại hàng hóa thì Ngân hàng Nhà nước không quản lý trực tiếp thị trường vàng nữa".
Ông Cường thì nêu quan điểm, có thể cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi cung được tự do, cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, không còn tình trạng khan hiếm nữa.
Cho rằng về điều hành theo cơ chế thị trường, cần phải làm cho cung - cầu gần nhau theo hướng không chênh lệch giữa giá vàng thế giới so với giá vàng trong nước, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo (Trường đại học Kinh tế quốc dân) Trần Thọ Đạt nhấn mạnh: "Nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phải giữ độc quyền vàng miếng SJC thì cần gia tăng Quỹ Dự trữ vàng và sẵn sàng tăng cung vàng miếng khi giá vàng SJC cao hơn bất thường so với giá vàng thế giới để bình ổn giá", ông Đạt nói.
Trước đó, phát biểu tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước ngày 3.1, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, NĐ24 quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền vàng miếng, còn vàng trang sức, mỹ nghệ thuộc thị trường, do các cơ quan chức năng quản lý. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá lại vai trò hiện nay của NĐ24 xem còn hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ, sứ mệnh của nó hay không.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng, nhất là vàng miếng, nhưng luôn luôn tôn trọng quyền cất trữ, mua bán vàng miếng của người dân.
Nhà nước cũng không bảo hộ giá cả cho kinh doanh vàng miếng và không chấp nhận sự chênh lệch giá trong nước cao hơn thế giới 20 triệu đồng/lượng như vừa qua; không chấp nhận vàng SJC cao hơn các vàng khác đến nhiều triệu đồng một lượng. Tất cả những vấn đề tồn tại này sẽ được xử lý với NĐ24 sửa đổi trong thời gian tới.
Bình luận (0)