Theo tỉ phú Elon Musk, ca cấy chip vào não người lần đầu tiên của Neuralink được thực hiện mới đây và người được cấy đang phục hồi tốt. Nếu được nghiên cứu thành công, công ty cho rằng công nghệ này sẽ cho phép người được cấy chip điều khiển các thiết bị như điện thoại chỉ thông qua trí não. Công nghệ còn có thể được sử dụng để điều trị các bệnh về thần kinh.
Thiết bị hoạt động như thế nào?
Vào tháng 5.2023, Neuralink đã nhận được sự chấp thuận của Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ cho phép tiến hành thử nghiệm cấp chip vào não người. Mục đích của cuộc thử nghiệm là đánh giá độ an toàn của thiết bị và của robot phẫu thuật đã thực hiện ca cấy ghép, cũng như năng lực đọc và giải mã các hoạt động thần kinh của thiết bị.
Neuralink là công ty công nghệ thần kinh do tỉ phú Elon Musk sáng lập vào năm 2016 với mục tiêu xây dựng các kênh liên kết. Theo Axios, thiết bị với thiết kế hiện nay có kích thước bằng đồng xu, được cho là "vô hình về mặt thẩm mỹ", gồm một viên pin lithium có thể sạc không dây, những con chip máy tính siêu nhỏ và các bộ phận điện tử khác.
Một robot phẫu thuật như máy may, có camera, cảm biến và kim nhỏ hơn sợi tóc người, được sử dụng để cấy thiết bị vào não người.
Sản phẩm đầu tiên của Neuralink sẽ có tên là Telepathy, giúp con người điều khiển điện thoại, máy tính và hầu hết các thiết bị khác chỉ bằng suy nghĩ. Những khách hàng tiềm năng đầu tiên sẽ là người bị mất tay hay mắc những chứng bệnh không thể vận động tay. "Hãy tưởng tượng Stephen Hawking có thể giao tiếp nhanh hơn một người đánh máy hoặc một nhà đấu giá. Đó là mục tiêu", ông Elon Musk nói, nhắc đến nhà khoa học vật lý nổi tiếng bị mắc chứng thoái hóa cơ.
Neuralink của Elon Musk đã cấy chip vào não người
Năm 2021, Neuralink từng cho một con khỉ được cấy chip trình diễn khả năng điều khiển con trỏ chuột máy tính và chơi một trò chơi điện tử bằng tín hiệu não. Tuy nhiên, công ty đã bị cáo buộc hành hạ động vật và có nguy cơ khiến con người mắc phải các bệnh truyền nhiễm qua những thiết bị phần cứng bị ô nhiễm.
Theo Reuters, các nhân viên công ty từng góp ý nội bộ rằng việc thử nghiệm trên động vật được tiến hành gấp rút, khiến cho các con vật bị đau đớn và chết, dẫn đến một cuộc điều tra của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Theo các hồ sơ, công ty đã giết 1.500 con vật từ năm 2018, gồm 280 con cừu, heo và khỉ. Neuralink biện hộ cho cách đối xử của công ty đối với động vật trong khi ông Musk từng tuyên bố không có con khỉ nào chết do việc cấy chip.
Neuralink xin cấp phép thế nào?
Vào tháng 5.2023, Neuralink công bố đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn cho thử nghiệm cấy chip vào não người và FDA cũng đã xác nhận thông tin này. Trước đó, công ty từng bị từ chối cấp phép vì một lý do không được tiết lộ.
Để các thiết bị y khoa mới như loại chip của Neuralink được tung ra thị trường, công ty phải nộp đơn xin giấy phép miễn trừ thiết bị nghiên cứu (IDE) đến FDA. Đơn xin này thường phải bao gồm thông tin chi tiết về thiết bị, mục đích của thử nghiệm, kế hoạch thử nghiệm lâm sàng, và các biện pháp đảm bảo đối với an toàn và hiệu quả.
Báo Mỹ: Tỉ phú Musk thường xuyên sử dụng chất cấm
Theo trang Axios, có thể Neuralink đã xin cấp phép đối với thiết bị cấy ghép, robot phẫu thuật và phần mềm liên quan. Thiết bị của Neuralink được cho là có thể gây nguy cơ cao nên sẽ cần thêm các bước quản lý.
Nếu FDA xác định cuộc thử nghiệm không được thực hiện như miêu tả trong đơn đăng ký hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho người tham gia, cơ quan có thể cho dừng hoặc chấm dứt hoàn toàn cuộc thử nghiệm lâm sàng vào bất kỳ thời điểm nào.
Để thiết bị này có thể được cấp phép tung ra thị trường, công ty phải trải qua quá trình phê chuẩn premarket approval (PMA).
Trong quá trình này, các nhà khoa học của FDA sẽ kiểm tra kỹ lưỡng kết quả thử nghiệm và các yếu tố khác của đơn xin cấp phép trước khi phê duyệt. Cơ quan cũng có thể loại trừ một vài nhóm bệnh nhân hoặc hạn chế sử dụng thiết bị đó cho những bệnh nhân có nhu cầu y tế riêng biệt.
Bình luận (0)