Hãy cùng gặp gỡ Gilles Jonemann, người nghệ sĩ đã tạo nên bước đột phá trong ngành chế tác đồ trang sức từ những vật liệu không có giá trị cao, đã đặt nền móng cho xưởng Petit h, nơi thực hiện các dự án tôn vinh giá trị bền vững của thương hiệu Hermès và đồng thời là tác giả của 24 tác phẩm đang được trưng bày tại triển lãm "New Look New Laque" của Hanoia.
Gilles Jonemann bên cạnh các tác phẩm trưng bày tại triển lãm "New Look New Laque" của Hanoia |
PV: Chào Gilles, tại sao lại là sơn mài và tại sao lại là Hanoia?
Một góc sơn mài Hanoia |
Gilles Jonemann: Câu chuyện bắt đầu như thế này. Tôi có may mắn được gặp Christian de Ruty, một đại diện của Hanoia vào năm 2017, thông qua sự kết nối của người phụ trách xưởng Petit h (Hermès) nơi tôi đang cộng tác cùng. Tôi rất quý con người của Christian de Ruty với tư cách là một người bạn, một nhà doanh nghiệp và có lẽ Christian cũng cảm mến tính cách nghệ sĩ trong tôi. Tôi cũng đi thăm các cửa hàng của Hanoia và nhìn ngắm các bình, các bát lớn, các lọ. Chúng được chế tác từ kỹ thuật thủ công truyền thống nhưng lại mang một vẻ đẹp đương đại. Ngay lập tức, tôi nghĩ mình có thể thêm vào những sản phẩm này một vài nét chấm phá nào đó để chúng thể hiện phong cách của riêng mình. Vậy là khi Christian hỏi tôi nghĩ thế nào về một cuộc triển lãm, tôi đã mường tượng ra những sự biến hóa, lắp ghép, kết hợp giữa các đồ vật của Hanoia với những vật liệu mà tôi thu lượm được. Công việc này tôi rất thạo và thường xuyên làm. Tôi bắt đầu lên ý tưởng cho cuộc triển lãm. Tôi mong muốn làm giàu thêm bản sắc Việt cho những sản phẩm của Hanoia bằng việc thêm vào những mảnh ghép mang giá trị thời gian và đậm đà sắc màu văn hóa Việt. Năm 2019, tôi trở lại đất nước này để lựa chọn các sản phẩm Hanoia phù hợp với màu sắc và kích thước mà tôi trù định. Trong vòng khoảng một tháng lưu lại đây, tôi đã lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội, đã đến các cửa hàng bán đồ trang trí của dân tộc thiểu số, đến các tiệm đồ sành sứ cổ và lên tận Mai Châu. Tôi đã tìm thấy tất cả những vật liệu, những mảnh ghép, những hóa thạch cho công việc lắp ghép của tôi trong một tháng này. Hanoia đã giúp tôi chuyển toàn bộ sản phẩm sơn mài và những món đồ tôi mua được về xưởng riêng của tôi tại Pháp. Tôi đã nhận được những kiện hàng lớn của Hanoia trong nhiều ngày ròng rã và may mắn nhất là kiện hàng cuối cùng đã tới tay tôi ngay trước khi mọi hoạt động bị ngừng lại vì Covid-19.
Ông đã hoàn thành được bao nhiêu tác phẩm cho cuộc triển lãm này?
La Force (Lực), một trong những tác phẩm yêu thích nhất của Gilles Jonemann tại triển lãm |
Tổng cộng là 24 tác phẩm, cũng là một con số mà chúng tôi không ngờ tới. Đầu tiên, Christian đề nghị tôi làm khoảng 10 tác phẩm. Do tôi chưa từng làm quen với chất liệu sơn mài, tôi lo lắng trong quá trình đục lỗ, lắp ghép có thể gây ra những bất cẩn đáng tiếc. Vậy là tôi đã yêu cầu Hanoia chuyển cho tôi 18 sản phẩm. Khi bắt đầu công việc, tôi đã rất hồi hộp, rất cẩn trọng, nhưng phải công nhận rằng tôi may mắn nên cuối cùng không có sự cố nào đáng tiếc xảy ra và cả 18 tác phẩm đã được hoàn thành. Đó là vào cuối năm 2020, triển lãm chưa thể ra mắt do Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành. Tôi gọi điện cho Christian: "Nghe này, chúng ta có thời gian, sao không làm một cuộc triển lãm lớn hơn nhỉ? " Tôi yêu cầu Christian chuyển thêm cho tôi 6 sản phẩm sơn mài nữa và vì vậy mà ngày hôm nay, chúng tôi có 24 tác phẩm trưng bày tại triển lãm.
Sơn mài đã mang đến cho ông nguồn cảm hứng nào trong quá trình tạo nên những tác phẩm này?
La Poésie (Thi ca) mang đến những cảm xúc lãng mạn, bay bổng đầy chất thơ |
Như đã chia sẻ ở trên, ý tưởng ban đầu của tôi là liên kết những món đồ mang tính đương đại của Hanoia với những mảnh ghép đậm đà nét văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Đó là điểm khởi đầu trước khi tôi thực sự bắt tay vào công việc. Tất nhiên, trong quá trình sáng tạo, mọi suy nghĩ đều có thể nảy sinh. Khi tôi đặt đồ vật này bên cạnh mảnh ghép kia trong xưởng làm việc của mình, so sánh chúng với nhau, đôi khi tôi tìm ra những phối hợp mới, hài hòa và đẹp mắt hơn so với những gì tôi từng mường tượng trong đầu. Sau nhiều năm làm công việc này, tôi đúc kết ra được một điều: sáng tạo chính là quá trình thấu hiểu bản thân. Trước đây tôi không cắt nghĩa được những việc tôi làm. Giờ thì tôi đã khám phá ra một số thứ mà tôi gọi là tư tưởng sáng tạo của mình. Khi tôi đến Việt Nam năm 2019, tôi đã chia sẻ điều này với nhóm sinh viên trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội: đó là một chút điên rồ, một chút thơ ca, một chút hài hước và tràn ngập tinh thần tự do. Hãy nhìn tác phẩm L'Humour (Hài hước) này với bốn bánh xe bằng sừng có thể di chuyển được, hay tác phẩm La Poésie (Thi ca) với chú chim nhỏ đậu trên miệng bát lớn. Hơn cả sự bí ẩn, tôi đã tìm thấy những gì đại diện cho tư tưởng của mình trong các tạo tác với Hanoia.
Bình luận (0)