Phân biệt nấm độc và nấm ăn
Nhiều người quen ăn nấm, nhất là nấm hoang dã, đã có kinh nghiệm, cùng với các cơ sở nghiên cứu đã đúc kết thành bài học như sau:
Không ăn nấm có màu sắc sặc sỡ, có mùi thơm hấp dẫn vì nấm này thường là nấm độc; không ăn các loại nấm hoang dại lúc còn non, vì lúc còn non chúng rất giống nhau (giống cúc áo), khó phân biệt; không ăn loại nấm khi cắt, vết cắt có rỉ ra chất trắng như sữa; không ăn nấm quá già, nấm có nghi ngờ, không rõ địa chỉ... Cũng có những loại nấm độc giống nấm ăn (nấm trồng), rất khó phát hiện nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy gốc có bao và có vòng cổ.
Nấm ăn: an toàn phụ thuộc vào người bán
Nấm ăn giàu chất dinh dưỡng, có khả năng điều trị và kháng bệnh, không có chống chỉ định, vì nấm ăn đã được chọn lọc lâu năm vừa bằng kinh nghiệm, vừa bằng khoa học thực nghiệm và được trồng nơi an toàn. Nhưng nấm ăn có nhiều đạm, đường, đương nhiên nấm ăn cùng chung số phận với các loại thực phẩm khác, cũng bị vi khuẩn xâm nhập, ôi, mốc, lên men... Hiện nay nấm ăn còn hiếm nên ít thấy hiện tượng ngộ độc nấm ăn. Nấm trồng trên các nguyên liệu bẩn, tưới nước bẩn, môi trường chung quanh nhiễm bẩn (kim loại nặng, nitơrít, chất có phóng xạ...) nấm có thể hấp thụ chất độc chứa trong quả thể.
Tuy nhiên, trong các điều kiện trên nấm rất kém phát triển, nên người trồng nấm buộc phải trồng trong môi trường sạch. Hiện nay ngoài thị trường, nấm ăn sẽ cùng có "mẫu số chung" với loại thực phẩm khác, "mẫu số chung" đó là lương tâm và lợi nhuận của thương nhân, nghĩa là nấm độc sẽ được xếp hàng với cá nóc, với thịt ướp phoócmôn, với rau quả bảo quản bằng hóa chất độc hại... Chắc chắn ngoài thị trường sẽ có hiện tượng đưa nấm độc (loại dễ lẫn với nấm ăn) đánh lừa những người nội trợ không sành về nấm.
Một lời khuyến cáo chung là không nên ăn nấm không rõ nguồn gốc, còn nghi ngờ, chỉ nên ăn những loại nấm có địa chỉ rõ ràng, hoặc tự trồng hoặc là sản phẩm của các cơ sở trồng nấm, chuyên kinh doanh nấm ăn.
BS Nguyễn Văn Chất
(HNM)
Bình luận (0)