Quốc hội thảo luận dự án Luật Dược: Giá thuốc - nỗi lo chưa dứt

09/05/2005 23:13 GMT+7

Hôm qua 9/5, sau khi ghi nhận thêm một số ý kiến đại biểu Quốc hội (QH) về dự án Luật Thương mại (sửa đổi), QH đã quyết định chuyển sang thảo luận sớm dự án Luật Dược - được đánh giá là "dự án luật đặc biệt quan trọng liên quan đến sức khỏe nhân dân, đến các vấn đề về an sinh xã hội".

Chỉ yêu cầu kê khai là không đủ!

Một trong những điểm đáng chú ý nhất của dự án Luật Dược là quy định các cơ sở sản xuất phải có nghĩa vụ "đăng ký thuốc, kê khai giá thuốc trước khi lưu hành trên thị trường". Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu tỏ ý thất vọng: "Tôi thấy quy định như dự thảo chỉ mang tính định hướng và nguyên tắc". Ông nói: "Nhất định phải có thẩm định giá trước khi cho thuốc lưu thông", bởi "chỉ nói phải kê khai thì rõ ràng là bảo tùy người ta. Người ta kê khai giá không đúng cũng chịu à?". Tán đồng nhận xét của Bộ trưởng Tư pháp, ĐB Lê Quốc Dung (Thanh Hóa) nói thêm: "Hệ thống phân phối thuốc vừa qua là thả nổi. Các biện pháp mà Bộ Y tế đề nghị: kê khai, niêm yết giá chẳng có kết quả bao nhiêu". Theo ông Dung, "phải kiểm soát được thị trường phân phối. Không thể để cho tất cả các hãng thuốc cùng vào thị trường được vì sẽ kiểm soát không xuể". ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) đề nghị rõ thêm: "Khi giá thay đổi, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc phải kê khai lại".

Kê toa thuốc sai để trục lợi là tham nhũng

Một số ĐB tỏ ý rất ngạc nhiên là trong quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự án luật lại không có đối tượng là người kê toa, dược sĩ, bác sĩ. ĐB Dương Thị Lợi (Bắc Giang) đề nghị bổ sung ngay đối tượng này vì "việc mua bán, sử dụng thuốc, hướng dẫn dùng thuốc có vai trò lớn của dược sĩ, thầy thuốc".

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nói: "Thực tế hiện nay, nhiều người chỉ  thuê bằng của dược sĩ để mở cửa hàng thuốc. Có khi anh dược sĩ cả đời không đến cửa hàng". Ông Xuân nhấn mạnh: "Bác sĩ kê đơn để trục lợi, dược sĩ bán bằng như thế, ở Trung Quốc họ coi là nhận hối lộ, tham nhũng. Và thực tế, đây cũng là một nguyên nhân làm tăng giá thuốc". Ông đề nghị: "Nhất định phải quy định rõ hơn, điều chỉnh đối tượng này vào dự án luật".

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu: Kiểm soát giá thuốc bằng nhiều cách

"Chúng ta phải có nhiều biện pháp vừa bao vây, vừa tấn công để giá thuốc không thể lên xuống tùy tiện như thời gian vừa qua", Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thị Hoài Thu (ảnh) đã nói như vậy khi bàn về quản lý giá thuốc. Là người thay mặt Ủy ban Thường vụ QH giải trình về dự thảo Luật Dược và cũng là người chịu trách nhiệm thực hiện giám sát chuyên đề về chính sách khám chữa bệnh cho nhân dân, bà Thu cho biết:

- Luật Dược không quy định cụ thể về giá thuốc, chỉ quy định quản lý nhà nước về giá thuốc. Chúng ta biết giá phải do nhà sản xuất quyết định nhưng trước tình trạng thời gian qua giá nhiều mặt hàng thuốc đã quá xa rời giá trị của nó khiến người bệnh khốn khổ, dự luật đưa ra những nguyên tắc để Chính phủ có thể quy định cụ thể về quản lý giá. Đó là: tôn trọng quyền tự định giá của nhà sản xuất; nhà nhập khẩu, nhà sản xuất phải kê khai giá (không phải đăng ký); người bán buôn, bán lẻ phải niêm yết giá bán; thuốc cung cấp tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước phải thông qua đấu thầu... Rồi còn quy định như thuốc nhập vào Việt Nam không được cao hơn giá nhập ở các nước trong khu vực có cùng điều kiện kinh tế xã hội; định kỳ Chính phủ phải công bố giá tối đa. Tức là phải bằng rất nhiều cách để kiểm soát được giá thuốc.

* Trong báo cáo giám sát về khám chữa bệnh, bà có nói rằng một trong những nguyên nhân khiến giá thuốc liên tục cao bất thường là do hệ thống phân phối của chúng ta có vấn đề. Luật Dược có điều chỉnh vấn đề này không?

- Luật sẽ không điều chỉnh vấn đề cụ thể đó nhưng hy vọng Chính phủ sau nhiều năm rút kinh nghiệm về việc xử lý giá thuốc tăng, đặc biệt là trong năm 2003 vừa qua, sẽ có cách xử lý tốt. Chẳng hạn  Chính phủ sẽ phải khẩn trương quy định chi tiết những vấn đề về giá thuốc mà trong luật đã đưa ra nguyên tắc. Một số điều phải quy định ngay, ví dụ như cung cấp thuốc trong bệnh viện phải đấu thầu. Hiện nay có đấu thầu nhưng do chưa có quy định thống nhất nên mỗi nơi làm khác nhau.

* Thưa bà, khi giá thuốc tăng “quá nóng” vừa qua chúng ta mới phát hiện ra rằng, không có cơ quan nào làm đầu mối quản lý giá thuốc. Nhưng trong dự luật cũng tiếp tục không thấy quy định?

- Với tư cách là cơ quan thẩm tra, chúng tôi thấy rằng: giá thuốc không chỉ một bộ quản lý được, giao Bộ Y tế không được mà giao cho Bộ Tài chính cũng không ổn. Luật có giao cho Chính phủ quy định, theo tôi cần giao cho cả 2 bộ và Bộ Y tế chủ trì. Nhưng việc này còn do đại biểu QH quyết định.

* Bà có nói sẽ kê khai giá thuốc và công bố công khai, việc này được thực hiện thế nào?

- Theo dự luật thì nhà nhập khẩu thuốc hoặc nhà phân phối phải kê khai giá thuốc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về dược (cụ thể là Cục Quản lý dược, Bộ Y tế). Mục đích là để cơ quan chức năng và người dân có thông tin đầy đủ về giá thuốc. Nếu niêm yết và bán không đúng như kê khai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

* Nhưng làm sao cơ quan nhà nước xác định được giá kê khai đó là đúng giá trị?

- Đây là một việc khó vì hiện nay chúng ta biết có khoảng hơn 10.000 mặt hàng thuốc. Nhưng cơ quan quản lý về thuốc phải phân loại từng nhóm thuốc, những nhóm nào tác động rộng rãi đến đông đảo người dân thì tập trung làm trước, còn mặt hàng nào đã có cạnh tranh thì có thể làm sau.

Tuyết Nhung
(thực hiện)

Chỉ khi nào chúng ta tự sản xuất đủ thuốc...

Giáo sư - bác sĩ Trần Đông A (ĐB TP.HCM)

Sự bắt tay của các bác sĩ kê đơn với các trình dược viên có phải là nguyên nhân góp phần làm tăng giá thuốc hay không? Thứ nhất, tất cả các hãng thuốc trên thế giới đều có các cộng tác viên, thậm chí có hãng bỏ tiền ra giúp các bác sĩ tổ chức hội thảo, nghiên cứu khoa học và có nhiều công trình có giá trị ra đời từ sự tài trợ đó. Nhưng mặt thứ hai, có người lợi dụng điều này để kiếm lợi cho riêng mình: ký bao nhiêu toa thuốc để được hưởng hoa hồng là bao nhiêu. Đáng tiếc mặt xấu này lại phổ biến ở Việt Nam. Y luật ở các nước phát triển cấm triệt để điều này, ở đó họ có những văn phòng luật hoặc luật sư chuyên tìm, phát hiện những vụ thỏa hiệp của bác sĩ và các hãng thuốc để đưa ra tòa. Anh ta sẽ bị mất nghề, thậm chí bị bỏ tù. Còn ở ta chưa có quy định như vậy, kêu gọi y đức là cần thiết nhưng hiệu quả không cao nếu không có quy định pháp luật điều chỉnh. Rất nhiều lão thành trong ngành y đã mong muốn có được quy định pháp luật để đảm bảo y đức được thực hiện, không để con sâu làm rầu nồi canh.

Trở lại câu chuyện về giá thuốc tăng, thuốc men cũng chịu sự chi phối của quy luật kinh tế nên không thể vì giá thuốc như thế chúng ta đổ lỗi cho việc này, việc kia. Hướng lâu dài chúng ta vẫn phải chủ động được sản xuất trong nước với nguyên liệu của chúng ta. Hiện giờ chúng ta đang khuyến khích các công ty dược lớn của thế giới được ưu tiên bán thuốc tại Việt Nam nếu có nhà máy sản xuất, đóng gói. Điều đó đúng nhưng không được chỉ dừng ở đó, phải tiến đến tự sản xuất.

Nguyên Bộ trưởng Y tế Đỗ Nguyên Phương (ĐB Bình Phước)

Giá thuốc trên thị trường như thế nào là hệ quả của rất nhiều khâu, liên quan đến nhiều đối tượng: nhà sản xuất, người bán, bác sĩ kê đơn, người mua... Giá thuốc thời gian vừa qua tăng ở mức bất thường có nhiều nguyên nhân, thậm chí người mua cũng góp phần vào: người mua phải hiểu biết, được tuyên truyền và quảng cáo đúng mức về thuốc, biết lựa chọn và trao đổi với người bán khi không có loại thuốc cơ bản mà phải dùng biệt dược. Cũng có chuyện trình dược viên của các hãng nước ngoài len lỏi vào bệnh viện, tặng từ cái bàn, cái bảng đến cuốn sổ tay cho bác sĩ. Nhưng với tương quan lực lượng trên thị trường: thuốc nội chỉ đáp ứng 40% nhu cầu, thuốc ngoại 60%, lại chủ yếu là kháng sinh, loại thiết yếu được sử dụng nhiều ở Việt Nam thì thực sự các bác sĩ không thể có sự lựa chọn nào khác. Dù là mặt hàng đặc thù, thuốc vẫn chịu tác động của quy luật kinh tế thị trường, chủ quan, duy ý chí, dùng biện pháp hành chính để kéo giá thuốc xuống chỉ có tác dụng tạm thời. Theo tôi, cái gốc vẫn phải là đẩy mạnh sản xuất trong nước, trước hết là đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu, sản xuất dược phẩm; sau đó là khâu tuyên truyền, quảng bá.

Tuyết Nhung 
(thực hiện)

Mạnh Quân - Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.