Cũng xin nói "cui cút" là từ ngữ "đặc Nam Bộ" nhưng thực ra ai cũng hiểu, và sách giáo khoa Văn học lớp 11 cũng đã chú thích khá rõ: "Cui cút làm ăn: có nghĩa là làm ăn lẻ loi, thầm lặng một cách tội nghiệp". Thực ra, trường ngữ nghĩa của "cui cút" còn rộng và sâu hơn "tội nghiệp" rất nhiều. Chỉ trong một câu văn 8 chữ: “cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó" đã hiện lên đầy đủ một vòng đời không lối thoát của người nông dân Việt, người "dân ấp dân lân" Nam Bộ. Bắt đầu bằng cui cút, vật lộn làm ăn, toan lo để cuối cùng kết thúc trong nghèo khó. Cứ ngỡ họ sẽ mãi mãi cam chịu như thế: Chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ, và đúng như cụ Đồ Chiểu đã tả: Việc cuốc việc cày việc bừa việc cấy tay vốn quen làm; tập khiên tập súng tập mác tập cờ mắt chưa từng ngó. Họ thật thà và ngây thơ lắm, đến nỗi: Trông tin quan như trời hạn trông mưa, nhưng họ cũng dữ dằn lắm đó nghe: Ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ. Đừng đùa với họ, nhất là đừng lừa họ, bịp họ! Đọc văn tế phải đặc biệt chú ý đến phép đối ngẫu, cả đại đối và tiểu đối. Người ta nói dường như từ văn tế đến thơ văn xuôi là một khoảng cách khá gần, đúng là như thế. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trong khi tuân thủ chặt chẽ lề luật của một bài văn tế thông thường, đã vượt lên thành một tác phẩm văn học độc đáo có một không hai. Đây là lần đầu tiên trong văn học thành văn Việt Nam xuất hiện hình ảnh người nông dân - chiến sĩ, người cố nông, bần nông - nghĩa sĩ. Và Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ Việt đầu tiên công khai vẽ lên và ngợi ca hình ảnh người anh hùng Chẳng qua là dân ấp dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ. Giọng thơ bi thiết, hào sảng, dữ dội, dịu dàng, khi đôn hậu lúc quật cường ấy chính là giọng điệu chủ của văn học viết về chiến tranh, cuộc chiến tranh bắt đầu từ người dân, người lính, những nghĩa sĩ vô danh trùng trùng điệp điệp đã làm nên đất nước này và thề gìn giữ đất nước này.
Xin hãy đọc đoạn văn viết về thân phận con người trong chiến tranh này và so sánh: Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm; đồn Lang sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ - Đau đớn bấy! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay! Vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ. Có thể coi đó là những câu thơ hay câu văn viết về chiến tranh thực nhất và hay nhất mọi thời đại. Nếu không phải là "nhà thơ của nhân dân", nếu không sống đến tận cùng tâm cảm niềm đau nỗi khổ của nhân dân thì không bao giờ viết được một áng văn như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Đúng, cụ Đồ Chiểu chỉ là một nhà thơ mù, một "người hát rong của nhân dân". Sinh thời cụ cũng không có chức tước gì, cũng chẳng được (hoặc không muốn nhận) đồng nhuận bút nào từ những tác phẩm của mình, nhưng một số tác phẩm cụ để lại mà tiêu biểu nhất là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đã làm giàu cho nền văn học Việt Nam ở vào thời điểm thử thách khắc nghiệt nhất cho văn học và cho cả lịch sử đất nước.
Chớ động vào những ngôi đền thiêng do chính nhân dân dựng lên! Cụ Đồ Chiểu "thảo dân" và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là ngôi đền thật, ngôi đền thiêng của văn học chúng ta. Hãy cẩn trọng khi chạm đến nó.
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
Hỡi ôi! Nguyễn Đình Chiểu (Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, NXB Văn học Giải Phóng, thành phố Hồ Chí Minh, 1976) |
Ý kiến độc giả về bài báo "Bài văn lạ" gây chấn động từ phía nào? Sau khi bài báo “Bài văn lạ" gây chấn động từ phía nào? của nhà thơ Thanh Thảo đăng trên Thanh Niên hôm qua, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc, tuyệt đa số là những ý kiến hưởng ứng. Chúng tôi xin lần lượt trích giới thiệu cùng bạn đọc. Tôi thực sự "sốc" khi đọc mục Chào buổi sáng của Báo Thanh Niên số ra ngày 16/5/2005 đăng bài viết của Thanh Thảo bàn về "Bài văn lạ". Có lẽ cũng như mọi người, tôi cũng thấy nên cảm ơn cô bé giỏi văn của lớp 11A18, người đã dám nói thẳng những suy nghĩ và chính kiến của mình "ít nhiều có lý lẽ với cách diễn đạt lưu loát và uyển chuyển", như lời nhận xét của ông Hà Bình Trị - chuyên viên phụ trách môn Văn, Vụ Trung học phổ thông Bộ Giáo dục - Đào tạo. Từ sự thật này, chúng tôi, những người có con em đang đi học ở các bậc phổ thông, sẽ phải tự hỏi con em mình đang được dạy dỗ như thế nào đây về phần làm Người... Cái đáng bàn ở đây là trách nhiệm của người lớn chúng ta trong việc dạy dỗ con em chúng ta làm Người. Chúng sẽ ra sao khi không thuộc lịch sử nước nhà, sẽ ra sao khi đối diện một vẻ đẹp trong văn học mà không thấy rung động, khi đang sống trong thời bình mà không thấy cũng như không muốn nói đến cái nền móng của thời bình, cái bình yên có từ đâu ra. Những người lớn chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận lại trách nhiệm của mình trong việc định ra mục tiêu, xây dựng phương pháp và đào tạo đội ngũ làm nhiệm vụ "kỹ sư tâm hồn" và cả chính bản thân mỗi cá nhân chúng ta trước con em của chúng ta. (Phương Hải Hà - một bạn đọc) Quả thật sau khi đọc xong một số bài viết liên quan đến "Bài văn lạ" của một học sinh lớp 11 đăng trên các báo tuần qua, thì tất cả những "bức xúc" sẵn có về thực trạng "dạy và học của chúng ta" đã "bùng nổ" trong tôi và cũng như những người tham gia trò chơi "Ai là triệu phú" tôi cũng đã "đồng cảm" theo hướng của các tác giả mà quên đi cái chất "Văn" trong tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, quên đi cái khiếm khuyết nguy hiểm nhất mà em học sinh - tác giả bài văn đó đã "quên" (mong là chỉ quên thôi!) khi làm bài. Bởi vậy, sau khi đọc bài của Thanh Thảo trên mục Chào buổi sáng, tôi thấy mình phải viết vài lời để cảm ơn tác giả Thanh Thảo vì đã giúp cho tôi cũng như nhiều độc giả khác (và có thể cả em học sinh đó) không chệch hướng nhận thức trong vấn đề này. (Maihieuthao@...)
Thanh Thảo
Bình luận (0)