Bò cạp - Đặc sản của miền núi An Giang

09/08/2005 15:10 GMT+7

Đến hai huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang) du khách từng có dịp thưởng thức ít nhiều món ăn đặc sản như: khô bò, cháo bò, lạp xưởng bò, bò xào lá vang và uống rượu huyết nhung. Mới đây, vùng núi này lại có thêm một món khoái khẩu nữa: “bò cạp chiên”.

Bắt bò cạp: Nghề “độ nhật”

Bò cạp là loại côn trùng có hình dáng kỳ dị, to bằng con dế cơm nhưng đôi càng to tướng, đuôi dài, mình dẹp, đen trũi thật đáng sợ. Loại này thường ẩn náu ở những hốc cây mục, kẽ đá, nơi có nhiều bụi rậm và cao ráo, nhiều nhất là ở dọc theo chân núi Dài, núi Phú Cường... Muốn bắt bò cạp, phải vạch lá, bươi xới tìm kỹ trong các hang hốc.

Anh Thạch Rin, một “sát thủ” bò cạp ở chân núi Dài, cho biết mỗi ngày anh bắt từ 30 đến 50 con, kiếm trên 50.000 đồng. Em Bùi Thanh Sang vừa thọc tay vào thau tóm gọn từng con bò cạp giao cho khách vừa khoe với mọi người: “Lúc đầu đi bắt bò cạp ai cũng sợ nhưng bị chích, bị kẹp vài lần rồi cũng quen”. Tại chợ biên giới Xuân Tô, nhiều người còn biểu diễn bằng cách thọc tay vào thùng vốc lên cả nắm bò cạp, cho chúng bò đầy tay đầy mình nhưng chẳng hề gì. Nghề săn bắt bò cạp tuy vất vả nhưng nhờ đầu ra thuận lợi, thu nhập bình quân 20.000đ/ngày/người nên số người đi bắt ngày càng đông. Đối với những con còn nhỏ, họ cho vào thùng nuôi chờ lớn lên mới giao cho bạn hàng.

Dọc theo chợ biên giới Tịnh Biên hiện có trên 10 điểm bán bò cạp sống; một số nơi còn bán cả rượu ngâm bò cạp. Chị Kim Em, người chuyên thu gom bò cạp núi tại chợ Xuân Tô cho biết: Hiện nay, tại khu vực Tịnh Biên có hàng trăm người, đa số là trẻ em, học sinh nghèo nhờ bắt bò cạp núi mà cuộc sống đỡ hơn. Một số trẻ em và thanh niên từ nước bạn Campuchia cũng thường mang bò cạp sang bán cho các bạn hàng tại chợ Xuân Tô. Riêng chị, mỗi ngày đã thu vô trên 500 con để bán lại cho khách đường xa, giá mỗi con từ 1.000 - 3.000đ. Hôm nào trúng mối chị kiếm lời cả trăm ngàn đồng. Chồng chị và hai đứa con ở ấp Phú Cường cũng đều sống bằng nghề săn bắt bò cạp và bán rượu bò cạp từ hai năm nay.

Tấp nập chợ, quán bò cạp

Gần đây, nhiều bạn hàng ở xa và một số cửa hàng ăn uống lên tận chợ Tịnh Biên để mua bò cạp sống về chế biến thành món ăn mà họ cho là trị được nhiều thứ bịnh. Tại Tri Tôn, cũng có nhiều cửa hàng bán món bò cạp và dế chiên bơ trông rất bắt mắt, nổi tiếng nhứt là quán “Lộc” và quán “Nghệ”, trên đường Ngô Quyền. Chị Hồng Thi, tiếp viên quán Nghệ, giới thiệu với chúng tôi một đĩa bò cạp vừa mới chiên vàng ươm, bốc mùi thơm phức và nói “Đây là món ăn vừa ngon vừa bổ, trị được nhức mỏi, đau lưng, đau khớp, dân thành phố ai đến đây cũng rất thích...”. Còn anh Đỗ Thanh Thành, chủ quán “Lộc” cho biết hiện nay ngoài bò cạp sống còn có loài bò cạp và dế vô hộp ướp lạnh từ TP Hồ Chí Minh đưa về (mỗi hộp 10 con, giá 12.000 - 15.000 đồng), nhưng đa số khách lại thích loại bò cạp sống hơn.

Tại đây, một số cơ sở nam dược cũng thu mua các loại côn trùng và động vật hoang dã như mối chúa, rít, bò cạp, tắc kè bông, tắc kè bay để bán lại cho khách hàng hoặc ngâm rượu bán với giá từ 30.000đ đến 60.000 đồng/keo. Tại chợ Tịnh Biên, nhiều người tự sản xuất và bày bán các sản phẩm này ở một số nơi công cộng dù chưa có cơ quan y tế nào xác nhận dược tính và công dụng của chúng.

Bà con ở các xã miền núi kể rằng người Khmer thường uống rượu bò cạp và ăn thịt bò cạp để điều trị một số bịnh mãn tính. Nhiều người thấy vậy cũng bắt chước mua bò cạp về ngâm rượu hoặc chiên ăn. Vì thế, một góc chợ Xuân Tô hiện nay đã trở thành “chợ bò cạp” tấp nập vào buổi sáng, nhứt là vào các ngày nghỉ, ngày lễ có nhiều du khách đến tham quan và mua hàng tại chợ biên giới.

Điều làm cho nhiều người băn khoăn là bò cạp đã bày bán hơn một năm nay và chưa có một thông tin nào đầy đủ của các ngành chức năng về dược tính và giá trị dinh dưỡng của loài côn trùng này. Tình trạng bỏ ngỏ và mạnh ai nấy bán, nấy ngâm rượu liệu có dẫn đến những hậu quả không hay?

(Theo Báo Cần Thơ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.