Canh rau tập tàng

26/07/2006 22:11 GMT+7

Từ những bước chân khai hoang mở cõi, ông cha ta đã tìm ra nguồn thức ăn trong thiên nhiên - đó là rau dại còn có tên gọi rau tập tàng. Món canh tập tàng là món ăn cổ, là bát thuốc "Nam dược thần hiệu" mà đại danh y Tuệ Tĩnh đã từng khuyên nhủ chúng ta, hãy trị bệnh bằng thuốc Nam bằng cách ăn nhiều rau Nam.

Trong một năm tùy theo từng mùa, xuân có thứ này, hạ có thứ kia rồi thu sang đông người ta bắt gặp loại rau gì thì hái mỗi thứ một ít, trộn lại đem về nấu chín hoặc ăn sống. Trong cuốn Tự vị Nôm thì lối chiết tự giải thích rằng: chữ tập có nghĩa là gom lại, chữ tàng là loài cỏ dại ăn không bị độc. Vậy tập tàng có nghĩa là một "mớ" rau dại.

Các thứ rau mọc dại kể ra quá nhiều như: Rau sam, rau má, rau dệu, rau dền trắng, rau dền đỏ, cây lốt, rau mồng tơi, rau mã đề, rau ngót, rau mác, rau cần, lá dâu tằm, cây lạc tiên, măng tre non, rau đắng, nấm mèo, nấm rơm...

"Đói ăn rau, đau uống thuốc". Bát canh tập tàng đậm hương và chất của nó thật dễ chịu, thơm mùi cỏ cây, thanh mà ngọt như mật hoa rừng, có nhiều loại vị đắng và mát như khổ qua, có loại ăn vào buồn ngủ và ngủ rất sâu như đọt lạc tiên, lá vông nem...

Trước đây thì người ta hái nó nấu canh suông, sau này thì trộn với gia vị như mắm ruốc, nước cua đồng hay nhúm tép khô. Có người công phu hơn tao mỡ hành, tép tươi, nước mắm, bột ngọt trở thành nồi canh chất lượng vừa bổ vừa ngon.

Thanh Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.