Vụ cô gái bị nhục hình 13 năm: Bắt khẩn cấp vợ chồng chủ quán phở

07/11/2007 14:09 GMT+7

* Tại sao việc hành hạ diễn ra nhiều năm mà không ai can thiệp? *T.Ư Đoàn TNCS HCM tỏ rõ thái độ * Dư luận phẫn nộ * Báo Thanh Niên và bạn đọc giúp em Bình ổn định cuộc sống, học hành và lập nghiệp

Sáng nay 7.11, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã khởi tố vụ án hành hạ người khác, bắt khẩn cấp vợ chồng chủ quán phở Chu Minh Đức và Trịnh Hạnh Phương để điều tra về hành vi hành hạ người khác.

Rõ ràng nhân chứng, vật chứng

Lúc 9 giờ 45, Cơ quan điều tra (CQĐT) tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của vợ chồng Chu Minh Đức (sinh năm 1963) và Trịnh Hạnh Phương (sinh năm 1962) tại số nhà 24 ngõ 108 Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân, Hà Nội). Trước đó 15 phút, khi một số cảnh sát xuất hiện ở khu vực này thì toàn bộ ngõ 108 đã đông nghịt người dân. Khoảng 10 giờ, từ đầu ngõ vọng lên tiếng khóc, tiếng lu loa ầm ĩ của bà chủ quán phở khi bị đưa từ trên xe cảnh sát xuống để vào nhà chứng kiến việc khám xét nơi ở theo luật định.

Bà Phương gào lên: "Các bác ơi, nuôi cháu mười mấy năm giời, giờ nó hại tôi thế này đây". Cứ thế, người đàn bà 44 tuổi vừa lê bước vào nhà vừa gào khóc. Chẳng biết mười mấy năm qua, khi xuống tay hành hạ một em bé bất hạnh không có khả năng tự vệ, bà ta có bao giờ nghĩ đến ngày lu loa như thế không?

Cuộc khám xét kéo dài hơn 2 giờ, đến gần 12 giờ trưa, lực lượng khám xét thu được 1 cuộn dây điện; 2 cây gậy; 1 cây kìm và 1 cây dùi cán gỗ. Khi bị đưa ra xe để trở về trụ sở Công an quận, nơi mà chồng bà ta đang đối mặt với các câu hỏi của cán bộ điều tra về các hành vi tàn nhẫn đối với em Bình, bà Phương vẫn cố gào thêm: "Chị ơi giúp em với". Một người hàng xóm buông thẳng: "Khóc gì mà khóc, lúc đánh con người ta gần chết thì có khóc không".

Ngồi bên quán nước chè nhỏ trong góc chợ Thượng Đình, ông Chu Văn Lợi, bố đẻ  chủ quán phở Chu Minh Đức dường như không hề ngạc nhiên trước sự kiện này. Ông bảo: "Ai làm thì người đó chịu thôi. Nhưng tội cái Phương nặng hơn nhiều. Tôi là bố chồng mà nó còn chửi xơi xơi. Tôi cũng nghe bà con nói nó đánh người làm ghê lắm, tôi cũng ngăn nhưng nó không nghe thì biết làm sao".

Hạnh Phương vẫn lu loa rất to khi bị bắt - ảnh: H.M

Cuối giờ chiều qua, một cán bộ điều tra Công an quận Thanh Xuân cho biết, sau khi hết lý lẽ chối tội, cả hai vợ chồng Đức, Phương đều đã cúi đầu thừa nhận hành vi đánh đập, dùng kìm kẹp thịt, hắt nước nóng vào người, lột quần áo bắt quỳ dưới nền nhà... đối với em Nguyễn Thị Bình.

Tổ dân phố, Hội phụ nữ biết, vẫn đứng ngoài !

Sự việc em Bình bị đánh đập, hành hạ đã diễn ra từ lâu. Nếu đặt câu hỏi: "Bác có biết em Bình bị vợ chồng Đức-Phương đánh không?", gần như 100% câu trả lời là: có. Những người dân sẵn sàng kể cho phóng viên nghe việc họ biết Bình bị đánh như thế nào, có những vết thương ở đâu, nguyên văn những lời chửi chua ngoa của bà chủ Phương ra sao. Nhưng khi hỏi tiếp: "Tại sao biết em Bình bị đánh như thế mà không báo công an?", thì hầu hết đều trả lời: "Chúng tôi sợ phiền phức, không muốn dây với vợ chồng nhà đó. Có nhiều người lên tiếng đã bị chửi lại không thương tiếc".

Một chị bán đồ điện (giấu tên) lắc đầu: "Tôi bán hàng ở đây được 3 năm rồi, Bình nó vẫn hay ra chợ mua thịt bò và bê phở cho bà con trong chợ nên tôi biết. Thú thật là từ ngày nhìn thấy con bé không lúc nào là mặt nó không bị thâm tím. Một lần ra bê bát về, nó bảo tôi đưa bát cho nó vì nó không cúi xuống được, quan sát thì tôi thấy đùi nó bị thương, sưng tấy, hỏi thì nó bảo: cháu bị chú cháu đánh nhưng cô đừng nói". Chị này còn kể thêm: "Ba năm trước, có một bà tên Đua, bán quần áo trong chợ này bảo giới thiệu cho Bình đi trông trẻ. Bình nó về thật thà nói với Đức-Phương, liền sau đó, Phương ra chợ chửi toáng lên và đe dọa bà Đua. Từ đó, mọi người biết, thương con bé, nhưng chợ búa phức tạp lắm nên không dám dây".

Gậy, dùi, kìm, dây điện... mà vợ chồng Đức - Phương đã dùng để đánh cháu Bình - ảnh: H.M

Ông Nguyễn Đức Chính, tổ trưởng tổ dân phố khu Tó, nơi gia đình Đức - Phương cư ngụ thì phân trần: "Nói việc chúng tôi không biết cháu Bình bị đánh thì không phải, vì nhìn mặt mũi Bình bị thâm tím là chúng tôi biết. Vấn đề là khi hỏi thì Bình lại nói là bị ngã hay bị va vào cửa nên không thể có cớ gì để nói vợ chồng Đức-Phương. Bình ở với vợ chồng Đức-Phương từ nhỏ, khi kiểm tra tạm trú, tạm vắng thì vợ chồng Đức-Phương nói đó là người làm, họ không khai báo tạm trú, tạm vắng cho Bình nên chúng tôi không quản lý được".

Bà Phạm Thị Kim Dung, tổ trưởng tổ phụ nữ khu phố Tó nêu lý lẽ rằng: "Nói thật với nhà báo là cháu Bình bị đánh chúng tôi biết cả, nhưng vợ chồng Đức-Phương kín tiếng lắm, "đóng cửa bảo nhau" mà đánh, Bình lại không nói mình bị đánh nên hội phụ nữ không can thiệp. Chúng tôi cũng không báo lên chính quyền vì Bình không tham gia sinh hoạt chi hội".

"Bình không dám kể với ai là bị đánh, chính cháu chỉ một mực nói rằng bị ngã nên chúng tôi không biết" là lý do mà nhiều cán bộ cấp cơ sở nêu ra để cho rằng họ đã làm hết trách nhiệm. Tuy nhiên, một cán bộ về chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở quận Thanh Xuân phân tích: "Nói thế là không được, ông cảnh sát khu vực phải biết rõ nhà này có những ai? Sao một em bé sống ở đó 13 năm không khai báo tạm trú mà cảnh sát khu vực không xử lý? Tại sao tổ dân phố, hội phụ nữ biết việc cháu bị đánh đập mà chỉ vì sợ chủ nhà nên không có ý kiến ? Tại sao chỉ vì cháu Bình không phải trong hội phụ nữ nên không can thiệp ? Và nơi cháu Bình ở chỉ cách công an phường, công an quận chưa đầy một cây số, tại sao ai cũng nói không biết ? Chẳng lẽ công an cũng nói rằng tội phạm đến không báo nên tôi không biết sao? Họ không biết hay họ quá thờ ơ với nỗi đau của trẻ nhỏ, để tránh phiền phức nên họ đã coi đó không phải việc của mình ?".

Câu chuyện của em Bình vẫn là chủ đề bàn tán của người dân. Chỉ có bà Hà Thị Bình (Bình "bò") vẫn lặng lẽ, ít lời. Khi hàng xóm nói Nguyễn Thị Bình được giải thoát công lớn thuộc về bà, bà chỉ cười: "Mừng cho con bé".

* Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Lam cho biết, T.Ư Đoàn đã có văn bản đề nghị Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội, Hội đồng Đội TP Hà Nội phối hợp với các ngành chức năng giúp đỡ em Bình sớm có cuộc sống ổn định và thực hiện các quyền của công dân, buộc những kẻ đã có hành động dã man xâm hại đến thân thể và tinh thần của em Bình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

* Theo anh Nguyễn Lam, "Đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em miễn phí 18001567" (Cục Dân số, gia đình và trẻ em - Bộ Y tế) ra đời đã 3 năm nay, giúp đỡ nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại ở khắp nơi. Nhưng đáng tiếc là thông tin về em Bình đã không đến được đường dây, dù địa chỉ này nằm cách quán phở nơi em Bình bị hành hạ không xa. "Sự việc đáng tiếc như vậy cho chúng ta thấy trách nhiệm còn thiếu sót trong thực hiện các nhiệm vụ được phân công" - anh Lam nhấn mạnh

*  Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, trong ngày hôm qua, Quận Đoàn Thanh Xuân đã đến thăm và động viên em Bình. Hôm nay 8.11, Thành Đoàn sẽ cử cán bộ xuống nắm tình hình và có những hành động cụ thể giúp đỡ em Bình về lâu dài.

* Hôm qua, Hội đồng Đội T.Ư đã có công văn gửi tới các cơ quan chức năng bày tỏ sự phẫn nộ và lên án những hành động vi phạm Công ước quốc tế về quyền trẻ em; Luật Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em; đồng thời chia sẻ với những mất mát của em Nguyễn Thị Bình. Hội đồng Đội T.Ư cũng đề nghị Viện KSND, Công an TP Hà Nội, Ủy ban Dân số - Gia đình và trẻ em có những biện pháp nghiêm khắc trừng trị những kẻ hành hạ em Bình theo đúng quy định của pháp luật. (Thu Hằng)

K.L - H.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.