Boléro trở lại

17/11/2007 23:56 GMT+7

Bẵng đi hơn 30 năm, những ca khúc Boléro đang trở lại một cách ngoạn mục... Thời hoàng kim Boléro Ở Việt Nam, không biết Boléro du nhập vào lúc nào nhưng ngay từ những ca khúc Boléro đầu tiên, các nhạc sĩ Việt Nam như đã khoác cho Boléro một chiếc áo thuần Việt.

Trước năm 1975, đã có hơn một thập niên thể loại nhạc Rum ba - Boléro tung hoành khắp miền Nam bởi rất được công chúng ưa thích. Ca từ trong nhạc Boléro luôn gắn liền với quê hương Việt Nam có đồng lúa lũy tre, có con trâu cánh cò, có trăng thanh gió mát: "Ai đang đi trên đường đê, tai lắng nghe muôn câu hò đê mê. Vô đây em dù trời khuya anh sẽ đưa em về..." (Gạo trắng trăng thanh). Có người cho rằng những ca khúc Boléro của Hoàng Thi Thơ do đôi song ca Nguyễn Hữu Thiết -Ngọc Cẩm trình bày vào khoảng năm 1960 (Gạo trắng trăng thanh, Trăng rụng xuống cầu, Đường xưa lối cũ...) chính là những bản Boléro Việt Nam đầu tiên. Rồi "Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát. Aánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác. Chiêu hồn quê bao khúc ca ngày mùa. Mừng trăng lên chúng ta cùng mua hát. Ước mong sao lúa hai mùa thơm ngát. Lúa về mang bao khúc ca yêu đời..." (Khúc ca ngày mùa - Lam Phương). Rồi "Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca, ngọt hương lúa tình quê thêm đậm đà, dào dạt bao niềm thương lên mái lá. Bờ dâu xanh cô gái hát êm êm. Tầm dâu chín gửi anh dâng mẹ hiền. Lòng già thêm hơi ấm khi chiều lên..." (Lối về xóm nhỏ - Trịnh Hưng). Rồi "Đây xóm nghèo quê tôi khi nắng lên. Bông lúa ngọt tình quê thêm trìu mến. Đôi bướm vàng nhởn nhơ như quyến luyến. Vài cô gái làng ngẩn ngơ mơ tình duyên...  "(Nắng lên xóm nghèo - Phạm Thế Mỹ). Cái không gian "Boléro Việt" không chỉ trải rộng trên núi đồi sông nước mà đôi khi chỉ lồng vào một con ngõ ngoại ô trong đêm mưa: "Đường về canh thâu. Đêm khuya ngõ sâu như không màu. Qua phên vênh có bao mái đầu. Hắt hiu vàng ánh điện câu... Đường dài không bóng. Xa nghe tiếng ai ru mơ màng. Mưa rơi rơi xóa lối đi mòn. Có đôi lòng vững chờ mong..." (Xóm đêm - Phạm Đình Chương)...

Theo nhà nghiên cứu Luis Rumbaut (Mỹ) thì điệu nhạc Boléro được khai sinh ở Santiago - một thành phố phía đông Cuba với bản Tristezas do Sanchez viết năm 1883. Tuy nhiên nguồn gốc sâu xa của Boléro lại ở Tây Ban Nha (các nước châu Mỹ La - tinh thường là thuộc địa của Tây Ban Nha)...

Sau giai đoạn mở đường này, khoảng năm 1965-1970 nhạc Boléro ào ạt chiếm lĩnh thị phần âm nhạc, màu sắc cũng hết sức phong phú : Mạnh Phát (Chuyến đi về sáng, Qua xóm nhỏ...), Dzũng Chinh (Những đồi hoa sim, Hận Tha La...), Duy Khánh (Thương về miền Trung, Ai ra xứ Huế...), Huỳnh Anh (Hoa trắng thôi cài lên áo tím, Mưa rừng...), Trúc Phương (Tàu đêm năm cũ, Nửa đêm ngoài phố...), Thanh Sơn (Lưu bút ngày xanh... ). Đa phần các nhạc sĩ khi sáng tác ca khúc theo điệu Boléro là muốn trải lòng ra tâm sự nên thường sử dụng âm giai Thứ (mineur) nghe buồn buồn. Tuy nhiên cũng có nhiều nhạc sĩ lại ưa sử dụng âm giai Trưởng (majeur) rộn ràng, vui tươi hơn như Lê Trọng Nguyễn (Nắng chiều...), Trần Thiện Thanh (Chuyện hẹn hò, Mùa đông của anh...), Y Vân (Aão ảnh, Những bước chân âm thầm...). Giai đoạn này là thời kỳ vàng son của các giọng ca: Hà Thanh, Hoàng Oanh, Kim Loan, Thanh Tuyền, Duy Khánh, Nhật Trường, Trung Chỉnh, Phương Đại, Giao Linh... 

Sau 1975, dòng nhạc Boléro xuất hiện "thấp thoáng" với các ca khúc của Hoàng Phương (thường gọi là "nhạc Gò Công") do Bảo Yến hát, cũng tạo được một dạo náo nhiệt rồi im hơi lặng tiếng...

Bìa album Chanh Boléro của Phương Thanh (Ảnh chụp lại: N.V)
Sự trở lại trẻ trung và hiện đại

"Nóng hổi" nhất có lẽ là không khí nôn nao, hồi hộp chờ đợi trong những fans của Phương Thanh, khi album Chanh Boléro của ca sĩ tưởng chừng chẳng hợp chút nào với thể loại này sắp phát hành. Nói về album này, Phương Thanh rất hào hứng: "Lúc đang làm Chanh show, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện phải tìm cái gì đó lạ lạ để hát cho vui, và làm album luôn, vì hát nhạc trẻ riết rồi cũng chán. Vậy là nghĩ đến Boléro... Đúng là khi thu âm, thấy quá... ép phê, quá ghiền!". Phương Thanh cho biết, chị có mang thử vài bài Boléro hát trên sân khấu, thấy khán giả cũng cổ vũ dữ lắm. Trong Chanh Boléro, ngoài bài Cây cầu dừa được phối rất hiện đại, còn lại tất cả (Lan và Điệp, Người đi ngoài phố, Sầu tím thiệp hồng, Giọt lệ đài trang...) đều giữ lại chất "mùi" của Boléro, và được Phương Thanh hát rất "đúng chuẩn".

Bìa một bản  nhạc Boléro trước 1975  (Ảnh chụp lại: H.Đ.N)
Nghe Phương Thanh nói về album này, chị Xuân Hòa - chủ phòng trà Văn Nghệ liền "đặt hàng" ngay một đêm Boléro với tiếng hát Phương Thanh, vào ngày 13.12. "Phòng trà mình vốn là không gian âm nhạc đậm chất xưa, là nơi tìm về những ký ức, hoài niệm của nhiều thế hệ. Mình cũng đã nghe và "theo dõi" Phương Thanh lâu lắm rồi, thấy cô ấy hát một số bài trữ tình cũng ngọt và rất Phương Thanh, nên đã quyết định làm ngay show Chanh Boléro vào tháng tới", chị Hòa nói. Ở phòng trà này, nhạc Boléro cũng được yêu cầu rất nhiều, gần như đêm nào cũng có, chị cho biết. Ngoài những giọng ca xưa gắn liền với thể loại này, các gương mặt trẻ như Vũ Đức Phước, Cao Thái Sơn cũng thể hiện rất mượt mà giai điệu trữ tình của Boléro cũng như những bài tiền chiến. Không chỉ có những không gian xưa như Văn Nghệ, ATB hay Tình Ca..., cả phòng trà Không Tên (của nhạc sĩ Lê Quang), nơi ưu tiên cho không khí sôi động, trẻ trung cũng "xuất hiện khá đều đặn những bài Boléro, theo yêu cầu của người nghe", Lê Quang chia sẻ.

Ngoài những giọng ca xưa gắn với thể loại này, nhắc đến Boléro bây giờ, khán giả không thể không nhớ đến Đàm Vĩnh Hưng, khi gần đây, anh vừa có một album thật xưa - Thương hoài ngàn năm, và dĩ nhiên trong đó cũng không thể thiếu Boléro. Hầu hết những ca sĩ ngày nay khi đến với Boléro, họ đều gửi vào giai điệu xưa ấy một hơi thở rất "nay", không chỉ bằng cách cảm trong thể hiện, mà chính còn ở những bản phối mang màu sắc mới mẻ, trẻ trung. Và nói như Hữu Minh, chủ của Kim Lợi studio thì "Trong tình trạng nhạc trẻ dường như bị bão hòa, dòng nhạc xưa đang trở lại, thì với Boléro, nếu mình làm cho nó trẻ hơn, thì chắc chắn người nghe sẽ dễ dàng tiếp  nhận". Và bằng chứng là khi album Em về kẻo trời mưa của Cẩm Ly ra mắt, người nghe đã rất ủng hộ. Chính vì đĩa bán rất chạy, nên Cẩm Ly chuẩn bị phát hành tiếp album trữ tình nữa - Khi đã yêu - vào tuần sau (trong đó có những bài Boléro: Bạc trắng lửa hồng, Chuyện đêm mưa, Mưa nửa đêm...).

Nếu bảo nhận xét chung, thì không ai mạnh dạn khẳng định là Boléro đang trở lại, nhưng hầu hết các ca sĩ đều cho rằng khi mình hát lại những ca khúc được cho là "sến" này, thì khán giả hưởng ứng rất nồng nhiệt.

Nhạc sĩ Lã Văn Cường: "Đây là một thể loại nhạc rất dễ đi vào lòng người. Qua bao nhiêu năm, từ những thế hệ đi trước cho đến thế hệ trẻ bây giờ đều nhớ rất nhiều ca khúc thuộc điệu Boléro của các tác giả Mạnh Phát, Trúc Phương, Trần Thiện Thanh, Thanh Sơn... Tôi từng đi nhiều nơi dọc đất nước, thấy các bạn trẻ khi hát với nhau hoặc khiêu vũ đều chọn thể loại Boléro. Tôi cũng từng gặp nhiều chiến sĩ trẻ quê ở miền Bắc nhưng khi sinh hoạt, nhậu chơi đều yêu cầu tôi đệm đàn cho họ hát các bài hát điệu Boléro. Tôi cũng đã từng gặp một số nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc người nước ngoài, tôi hỏi họ có ấn tượng gì về các ca khúc Việt Nam, họ đều trả lời "Ấn tượng nhất chính là giai điệu Boléro, nó phả được tâm cảnh rất riêng của người Việt" . Huyền Nga (ghi)

 

 

 

 

 


 

Hà Đình Nguyên - Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.