Bác sĩ pháp y - Kỳ 4: Nỗi đau

17/01/2008 00:06 GMT+7

Tiếp xúc với đủ hạng người, chứng kiến đủ các hình thái đớn đau, mất mát, nhưng đối với nhiều bác sĩ pháp y, có một nỗi đau luôn ám ảnh họ là chuyện những đứa trẻ bị hành hạ, lạm dụng tình dục.

Một ngày giữa tháng 11, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Giám định pháp y và chứng kiến trường hợp bé gái 6 tuổi, ở quận 5, TP.HCM gia đình nghi bị xâm hại tình dục nên đưa đến trung tâm yêu cầu giám định màng trinh. Đi cùng bé, ngoài người mẹ với gương mặt đầy đau khổ. Hằng ngày, mẹ cháu tất tả lo kiếm miếng ăn, để cháu đi học về chơi tung tăng quanh xóm. Hôm đó, khi đi làm về chị phát hiện bộ phận sinh dục của con gái bị trầy xước, sưng tấy. Nghi con bị kẻ xấu hãm hại, người mẹ trẻ đến nhờ cán bộ Hội phụ nữ can thiệp, giúp đỡ. Cẩn thận, vị cán bộ này gọi điện xin tư vấn pháp lý ở một tờ báo chuyên ngành và được hướng dẫn đưa cháu lên Trung tâm Giám định pháp y để giám định. Ngặt nỗi, người của tờ báo nọ, có lẽ do chưa nắm hết thủ tục hiện hành, đã không hướng dẫn gia đình cháu bé đưa cháu lên công an khai báo, để được cấp giấy giới thiệu đi trưng cầu giám định theo đúng thủ tục. Vì thế, các bác sĩ tại trung tâm dù rất thông cảm hoàn cảnh gia đình cháu bé, cảm phục tinh thần hết lòng tận tụy với công việc của chị cán bộ phụ nữ nọ nhưng không thể tiến hành thủ tục giám định cho cháu bé.

Nghe bác sĩ pháp y giải thích, nghĩ mình bị làm khó nên chị cán bộ phụ nữ làm toáng lên, khiến bác sĩ Hiếu phải ngưng tiếp khách, mời chị cán bộ cùng mẹ cháu bé vào phòng giải thích cặn kẽ hơn. Lúc đó, chị cán bộ mới "chịu", nhưng vẫn chưa hết hậm hực, một tay bế đứa trẻ, một tay gần như lôi xềnh xệch người mẹ trẻ mắt đỏ hoe: "Đi về công an phường tôi hỏi xem có đúng vậy không, lẹ lên!". Nhìn theo dáng người cán bộ phụ nữ khuất sau cửa phòng, bác sĩ Hiếu lắc đầu: "Quy định nó như thế, mình không thể làm khác được dù biết người dân rất khổ. Ngay những đứa trẻ vô tội cũng là nạn nhân của thủ tục nhiêu khê, đôi khi phải mang nỗi đau suốt đời".

Giải thích thêm cho chúng tôi, bác sĩ Hiếu cho biết trong số hàng ngàn trường hợp giám định thương tật tại trung tâm mỗi năm, có hàng trăm trường hợp trẻ em bị lạm dụng tình dục, hiếp dâm. Những trường hợp này muốn giám định phải có quyết định trưng cầu, hoặc giấy giới thiệu của công an. Căn cứ các giấy tờ này, trung tâm viết giấy giới thiệu để gia đình đưa các bé đến Bệnh viện Từ Dũ giám định, vì hiện cả thành phố chỉ có nơi đây giám định màng trinh phục vụ tố tụng và cũng chỉ làm việc trong giờ hành chính, hai ngày thứ bảy và chủ nhật nghỉ. Chính thủ tục nhiêu khê, cộng với quy định chỉ làm việc trong giờ hành chính khiến không ít trường hợp khi trẻ em gái bị xâm hại tình dục, cơ quan chức năng không thể có đủ bằng chứng kịp thời để điều tra, đưa hung thủ ra trước pháp luật.

Trường hợp kể trên, ngay chiều hôm đó gia đình đưa cháu bé trở lại cùng giấy giới thiệu đi giám định của công an và trung tâm đã viết giấy giới thiệu đưa cháu bé sang Từ Dũ giám định. "Nhưng không ít trường hợp vụ việc xảy ra vào thứ bảy, chủ nhật, dù công an có ra quyết định trưng cầu giám định thì cũng "bó tay", vì sang bên Từ Dũ cũng phải chờ đến thứ hai. Trong khi đó, tầng sinh môn của trẻ em rất mau lành, càng để lâu càng khó kiểm tra. Chưa kể, trong trường hợp cần lấy tinh trùng để giám định DNA truy tìm hung thủ, nếu để quá 72 giờ là khó thể xác định được" - bác sĩ Hiếu nói.

Đã có trường hợp, cách đây mấy tháng, một bé gái 5 tuổi bị hiếp dâm, rách tầng sinh môn. Gia đình lo lắng đưa bé đi khám chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án ghi rõ rách tầng sinh môn, rách màng trinh (khâu vệ sinh). Sau đó gia đình nạn nhân tố cáo, hung thủ bị bắt và khai nhận hành vi phạm tội. Đến khi ra tòa, bị cáo bỗng dưng quay ngoắt lại phản cung, cho rằng anh ta không hiếp dâm. Lúc này tòa trưng cầu giám định thì kết quả giám định tầng sinh môn không rách, màng trinh không rách. "Tầng sinh môn vì là dạng niêm, rất mau lành và khi lành rồi không để lại sẹo như lớp bì. Màng trinh của trẻ cũng vậy, hồi phục rất nhanh. Nếu không kịp thời giám định ngay từ đầu thì rất khó cho công tác tố tụng về sau. Chính tôi đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này. Tại các cuộc hội thảo về giám định pháp y tôi cũng nói rất nhiều, cần có chế độ trực vào thứ bảy, chủ nhật đối với bộ phận giám định màng trinh ở Bệnh viện Từ Dũ, hoặc có thể giao hẳn cho bác sĩ pháp y thực hiện giám định lĩnh vực này, nhưng đến nay mọi quy định vẫn chưa thay đổi" - bác sĩ Hiếu bức xúc.

Cũng là những bậc cha mẹ, chứng kiến cảnh những người cha, người mẹ đau đớn khi con mình bị xâm hại, các bác sĩ ở Trung tâm Giám định pháp y đã không thể cầm lòng. Bác sĩ Hiếu bảo nhiều khi ông cũng muốn "đốt cháy giai đoạn", viết giấy giới thiệu để gia đình nạn nhân đưa các cháu sớm đi giám định, dù chưa có yêu cầu giám định từ phía công an. Nhưng ông bảo làm như thế là sai nguyên tắc, sai quy định, kết quả giám định không được xem là chứng cứ hợp pháp để bảo vệ cháu bé sau này, và "thực tế đã có bác sĩ bị kỷ luật vì "cầm đèn chạy trước ô tô" rồi!". Đau lắm chứ!

* Bài 1: Đêm đi mổ xác
* Bài 2: Phơi bày sự thật
* Bài 3: Đấu trí

Minh Đức - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.