Titan ở Việt Nam - Kỳ 2: Công nghệ khai thác

30/01/2008 00:02 GMT+7

Thỉnh thoảng tại những trảng cát trắng rộng lớn như sa mạc, chúng ta bắt gặp những giàn vít xoắn khổng lồ dưới nắng chói chang, đó là công nghệ khai thác mới của Việt Nam.

Sau hai chuyến về thăm VN, tư vấn chiến lược cho một vài đơn vị khai thác titan, kỹ sư Tai H.Do từng nói: "Việt Nam có titan là điều rất đáng mừng, nên xem đó là vũ khí chiến lược về công nghệ và kinh tế. Cần phải đầu tư thích đáng vào ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ quặng titan. Có như vậy, một ngày nào đó, ta mới có thể dùng nguyên liệu trong nước làm ra sản phẩm cho các ứng dụng trên máy bay và tàu không gian". Đứng trước những giàn máy xoắn vít tại Chu Lai, Quảng Nam, ông cho rằng "khai thác bằng công nghệ này là chấp nhận được, vấn đề là cần làm tốt việc bảo vệ sức khỏe cho những công nhân tiếp xúc trực tiếp, gần kề và liên tục với titan". Đó chính là sản phẩm công nghệ từng đoạt giải nhì - Giải thưởng Sáng tạo khoa học kỹ thuật Việt Nam - VIFOTECH năm 2002 và Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2005.

Thật ra, trước năm 2002 công nghệ tuyển lọc quặng titan được thực hiện chủ yếu bằng các thiết bị tuyển điện từ với chi phí hạ tầng cơ sở, điện năng rất lớn. Đã vậy, khả năng tách các tạp chất có hại không thực hiện được dẫn đến giá trị của sản phẩm đầu ra không cao. Sau năm 2002, sự bùng nổ về mặt khoa học công nghệ trong lĩnh vực vật liệu từ bằng sự xuất hiện một loại nam châm đất hiếm có năng lượng từ siêu mạnh, đã mở ra một khả năng ứng dụng rất rộng rãi trong công nghệ chế biến sa khoáng biển titan, titan gốc và cromit. Thiết bị này tiết kiệm được chi phí điện năng khoảng 90 triệu đồng/máy trong 1 năm. Cùng lúc nó có thể tách được khoáng vật không từ và các khoáng vật có từ tính khác nhau với độ phân tuyển cao.

Theo giới đầu tư khai thác titan, sự xuất hiện loại máy của Viện Khoa học vật liệu - Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam có thể coi như một cuộc cách mạng trong công nghệ chế biến sa khoáng titan. Chỉ trong vòng 5 năm đã có tới 65 máy, công suất 2,5 tấn/giờ được các doanh nghiệp lớn sử dụng. Trong đó, Tổng công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh tiêu thụ 21 máy và Công ty cổ phần khoáng sản Bình Định tiêu thụ 12 máy để thay thế toàn bộ công nghệ.

Đồng thời với việc xuất hiện các thiết bị mới, trình độ công nghệ trong nước cũng từng bước được nâng cao. Các nhà khoa học trong nước đã nghiên cứu phát triển  một số công nghệ chế biến sâu quặng titan lần đầu tiên được áp dụng trên quy mô công nghiệp tại Việt Nam, trong số đó công nghệ sản xuất nguyên liệu zircon 65% ZrO2 có hàm lượng tạp chất (Ti + Fe) đạt tiêu chuẩn nghiền bột zircon siêu mịn của kỹ sư Nguyễn Hoành Sơn đã được áp dụng rất thành công tại Tổng công ty khoáng sản và thương  mại Hà Tĩnh, đây là cơ sở quyết định khẳng định Việt Nam sản xuất được zircon siêu mịn bằng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, chấm dứt thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Đề tài này đã vinh dự nhận được giải nhất cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 9 năm 2007, nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Liên đoàn Lao động Việt Nam về  sáng tạo.

Có thể nói đến nay trên 1/2 tổng sản lượng titan VN được chế biến bằng công nghệ mới. Điện năng được tiết kiệm hàng tỉ đồng và đặc biệt giá trị của sản phẩm đầu ra được tăng lên nhiều. Tổng công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh đã xuất hàng sang thị trường Mỹ cho Dupont, nhà sản xuất bột màu TiO2 Pigment nổi tiếng thế giới.

Tuy nhiên, chế biến sâu các sản phẩm từ sa khoáng titan vẫn còn là vấn đề không dễ. Đối với ilmenit cho đến năm 2007 hầu như chưa có đơn vị nào triển khai. Chính phủ đã giao cho Hà Tĩnh lập dự án sản xuất sản phẩm TiO2 dạng bột từ ilmenit với tổng đầu tư 200 triệu USD. Các sản phẩm chế biến sâu còn lại như ilmenit hoàn nguyên cho vỏ bọc que hàn, fero titan cho ngành thép và đặc biệt là xỉ titan làm nguyên liệu cho các công nghệ chế biến tiếp theo vẫn còn là vấn đề đang được bàn luận chưa có phương án cụ thể. Đối với sản phẩm zircon, một số nơi đã đầu tư dây chuyền nghiền zircon siêu mịn. Tuy công nghệ chưa được đồng bộ, tức là zircon chưa làm sạch đạt tiêu chuẩn, song giá trị của sản phẩm này đã được nâng lên nhiều.

Từ năm 1990 khách hàng nước ngoài đã bắt đầu mua tinh quặng của Việt Nam và cũng từ đó nhu cầu sản xuất và tiêu thụ ngày càng cao. Vài năm gần đây, do nhu cầu của nước ngoài  nên việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tinh quặng ilmenit tăng lên nhanh chóng. Lượng tiêu thụ trong nước hàng năm không đáng kể (1.000 - 2.000 tấn) mà chủ yếu tiêu thụ ở nước ngoài với tổng giá trị xuất khẩu lên tới 40 triệu USD. Việc tiếp tục đầu tư từng bước chế biến tinh hơn nữa các sản phẩm như ilmenit, zircon, rutil và monzite có độ sạch cao hơn và chế biến sâu hơn nữa các sản phẩm có giá trị cao từ ilmenit, zircon... nhằm tiếp tục nâng cao giá trị của chúng lên gấp nhiều lần chính là mục tiêu sắp tới của ngành công nghiệp titan VN. (còn tiếp)

Đ.N.K

Kỳ 1: Trên bản đồ titan thế giới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.