Trong cái rét căm căm, dưới mưa phùn, chúng tôi vượt gần 150 km về xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước. Đâu đâu cũng bắt gặp cảnh sắc tiêu điều, ảm đạm, với những vạt rừng vàng úa, héo hắt, những thửa ruộng bậc thang trơ ra trắng toát vì gió rét. Tính đến ngày 15.2, toàn tỉnh Thanh Hóa có gần 2.000 con trâu bò bị chết rét, trong đó tập trung chủ yếu ở 11 huyện miền núi. Với người nông dân, đặc biệt là người dân vùng cao, trâu bò vốn là thứ vật nuôi thiết thân nhất, vừa là sức kéo trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng là nguồn tài sản lớn nhất của bà con.
Em Hà Văn Bạch buồn bã bên chuồng trâu trống - Ảnh: Ngọc Minh |
Ở miền núi bà con thường có tục thăm hỏi, động viên nhau, nên mỗi khi gia đình nào có trâu bò chết, bà con đều đến chia buồn với gia chủ, cứ như trong nhà có người mất vậy. Con trâu chết được xẻ ra, chia đều cho hàng xóm gọi là "ăn giúp", đến mùa, đồng bào tự động mang tiền, lúa, ngô đến ủng hộ cho gia chủ. Nhưng những ngày vừa qua, trâu bò chết nhiều quá, có ngày trong xã chết tới 20 con, vậy nên bà con cũng chỉ biết động viên nhau, còn "ăn giúp" thì không thể vì trong bản nhà nào cũng có trâu chết.
Ngày thường, khi cái nắng khuất sau những rặng núi mờ xa là khắp các làng bản gần xa, từng đàn trâu lại thong thả về chuồng với tiếng mõ trâu lóc cóc, vui tai và yên bình ấm áp. Còn chiều nay, chúng tôi rời Bá Thước trong cái rét căm căm cùng sự yên ắng, không một bóng trâu bò về bản. Hình ảnh em Hà Văn Bạch, 11 tuổi ở bản Pặt, xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước thất thần ngồi trong chiếc chuồng trâu trống hoác cứ ám ảnh chúng tôi trên suốt đường về.
Cao Ngọ - Ngọc Minh
Bình luận (0)