Tại Vàm Nao (con sông to rộng nhưng dài khoảng 6 km nối liền sông Tiền và sông Hậu), ngư dân đánh bắt cá bông lau vào mùa nước trong, từ tháng 3 đến tháng 7 âm lịch, vào lúc mặt trời chưa lặn. Nhưng bủa vào giác khuya thường được nhiều cá hơn. Cấn chướng, từ tháng 11 âm lịch, đến sau Tết Nguyên đán là mùa "săn" cá bông lau đêm của Tân Lộc và Ninh Thới. Cũng giống ngư dân Vàm Nao, tất cả đều có phường chài, phân chia khu vực đánh bắt. Mỗi ghe có hai người, thường là vợ chồng, một người chèo, một người phơi (thả lưới). Nước dâng bắt đầu đánh. Trước khi nước rút, khoảng 2 tiếng đồng hồ sau, thì kéo. Mỗi đợt kéo người ta thu hoạch trung bình chừng 4-5 con. Cá ở đây có con nặng tới 10 kg. Để thu hoạch cá nhiều, ngư dân nhìn dòng nước phán đoán "ổ cá" nằm ở nơi nào, thường là nơi ngã ba khúc sông nước chảy mạnh. Cá bông lau được cắt từng khoanh bán với 3 giá khác nhau: phần đầu, ngon nhất nhưng xương nhiều, nặng nên rẻ; phần bụng do nhiều mỡ và có bộ ruột, gọi là "khúc giữa" giá mắc hơn phần đầu nhưng rẻ hơn phần đuôi (toàn nạc).
Người đầu bếp nấu sao cho vừa ngọt vừa mặn vừa béo vừa cay mới xứng hàng "sư phụ". Và bông lau nấu canh chua cũng đòi hỏi công phu nêm nếm của các bà nội trợ. Vị chua của me, vị ngọt của cá, vị cay của ớt hòa nhau thành "bản hợp xướng" ẩm thực đậm đà phong vị sông nước miền Tây Nam Bộ. Nhưng khó quên nhất là vào mùa, khi bạn được thưởng thức "trọn bộ tam sên": cá bông lau chiên lạt, kho tộ và canh chua được thực hiện bằng cá tươi roi rói. Ba món ngon ăn với cơm lúa mới dẻo quẹo đã mau chóng vét cạn nồi, nói chi tới được làm mồi nhậu sẽ khiến bạn say quắc cần câu hồi nào không biết!
Bài, ảnh: Phương Kiều
Bình luận (0)