Tan hoang rừng Suối Nhung
Sau khi xem được một phần trong số hàng trăm đĩa VCD mà ông Tiến quay cảnh rừng bị tàn phá, chúng tôi đề nghị ông đưa chúng tôi vào rừng để được chứng kiến tận mắt. 3 chiếc xe Honda chạy dưới những "cơn bão" bụi đỏ mịt mù. Khi đi đến chốt Thạch Màng, tấm bảng cảnh báo "Bảo vệ rừng. Phòng cháy chữa cháy rừng là nhiệm vụ của mọi người. Phá đốt rừng là hủy hoại môi trường sống, là vi phạm pháp luật. Hãy bảo vệ rừng để bảo vệ chúng ta" được dựng uy nghiêm như muốn nhắc nhở mọi người. Thế nhưng cách đó chỉ khoảng hơn trăm mét, một khu rừng nguyên sinh có diện tích khoảng 3 ha, hàng trăm cây gỗ nhỏ bằng bắp đùi, to thì một người ôm đã bị chặt đổ xuống đất lá vẫn còn xanh. Xa xa tiếng gỗ tươi cháy nổ giòn như pháo.
|
Đi mãi trong những con đường mòn gập ghềnh đầy đá hộc, bụi đỏ, cho đến khi xe máy không thể đi được, lúc bấy giờ 3 chiếc xe đành bỏ lại ven bên con đường mòn. Cứ thế ông Tiến và anh Sử, anh Quyền đưa chúng tôi len lỏi tiếp dưới những khu rừng rậm, dây leo chằng chịt để được chứng kiến cảnh rừng đang bị tàn phá. Chúng tôi đã tận mắt thấy, hàng trăm ha rừng tan hoang, trơ trụi còn lại chỉ là những quả đồi lớn nhỏ, với rất nhiều những gốc cây có đường kính khoảng 2 mét còn sót lại, lá cành ngổn ngang dưới gốc, những gốc cây to vật vã bị cưa hạ có đếm cả ngày vẫn không hết. Tiếp đến là những khu rừng bị cháy trụi, khói vẫn còn âm ỉ, cùng tiếng cưa gỗ kêu vang trời, tiếng xe kéo gỗ ầm ầm chạy trên những con đường mòn từ trong rừng rậm ra.
Ông Tiến chỉ một trong hàng trăm cây bằng lăng cổ thụ thuộc nhóm 2 có mấy vệt đỏ, ông giải thích, những cây như thế này đã bị đánh dấu, như vậy chỉ vài hôm nữa là bị chúng cưa hạ. Ông Tiến cho biết thêm, toàn bộ khu rừng này đều là rừng nguyên sinh và là rừng phòng hộ vì tiếp giáp với sông Đồng Nai, bên kia là Lâm trường La Ngà. Trong lúc băng rừng, ông Tiến chỉ vào một gốc cây màu đỏ có đường kính trên 1 mét, nói: "Cây này thuộc nhóm 1 mà chúng có tha đâu". Mặc dù tiếng cưa gỗ kêu vang rừng, tiếng cây đổ ầm ầm nhưng cả ông Tiến và anh Sử, Quyền đều khẳng định: "Ban ngày chưa ghê đâu, ban đêm mới thấy kinh hoàng vì tiếng cây đổ nổ giòn như pháo bắn".
Bù Đăng, những đoàn xe trâu kéo gỗ
|
Đến trung tâm xã Đắk Nhau, ăn vội tô phở và tìm chỗ gửi lại chiếc xe, vì xe của chúng tôi không thể đi vào được bến Bà Dên (nơi tập kết gỗ lậu), mà phải là loại xe thồ phần bánh đã được gia cố quấn thêm sợi xích. Đánh vật khoảng hơn 10 km đường mòn trong rừng cao su, rừng điều đất đỏ bụi mịt mù, chiếc xe ôm của chúng tôi phải liên tục rú ga về số 1 để bò lên những cái dốc thẳng đứng toàn đá hộc. Trên đường đi chúng tôi bắt gặp nhiều đoàn xe trâu đi vào bến để kéo gỗ ra ngoài xã và hướng ngược lại là những đoàn xe trâu 5, 6 chiếc đang ì ạch kéo những xe gỗ (mỗi xe 2 hoặc 3 cây) vuông vức về hướng trung tâm xã Đắk Nhau. Bến Bà Dên nằm bên này con suối ngăn cách địa phận Bình Phước và Đắk Nông. Theo lời kể của người dân thì đây là nơi tập kết gỗ lậu được vận chuyển từ những cánh rừng bên Đắk Nông sang. Những người đi rừng ở các xã thuộc huyện Bù Đăng làm nhiệm vụ "đột nhập" rừng Đắk Nông để tìm kiếm gỗ quý. Mỗi khi tìm được, họ sẽ bán lại cho những đội quân chuyên cưa gỗ. Gỗ cưa xong sẽ được vận chuyển về bến Bà Dên tập kết. Tại đây, những cây gỗ sẽ được xẻ thành khối vuông vức để chờ những đoàn xe trâu từ trung tâm xã Đắk Nhau lên kéo về và bán lại cho chủ gỗ mang đi các tỉnh tiêu thụ bằng xe ô tô.
|
Không chỉ bến Bà Dên là nơi trung chuyển gỗ của các trùm gỗ lậu, mà các bến khác nằm dọc theo con suối giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Phước và Đắk Nông như Cây Dầu, Ba Cô, Bà Loan, Đồng Xoài đều được các trùm gỗ lậu chọn làm nơi tập kết. Sau đó những đội quân xe trâu (từ 5 đến 10 xe một đội) sẽ men theo những con đường mòn dẫn từ trung tâm xã Đắk Nhau đến các bến để kéo gỗ về gần trung tâm xã, nơi xe ô tô vào được. Những đội quân xe trâu kéo gỗ mà chúng tôi bắt gặp trên nhiều con đường mòn là của một số chủ bỏ tiền ra mua trâu kéo, có chủ nuôi đến hàng chục con trâu kéo to khỏe. Hằng ngày các chủ trâu sẽ thuê người ở các thôn thuộc xã Đắk Nhau đi kéo gỗ từ bến về. Gỗ được kéo về đến gần trung tâm xã Đắk Nhau sẽ được giấu trong những vườn điều của người dân. Tại đây, họ đợi đến nửa đêm, xe ô tô của các trùm buôn gỗ lậu đánh vào, gỗ quý lúc bấy giờ mới chính thức lên xe ô tô đi về các tỉnh tiêu thụ. Một người dân ở sát bến Bà Dên cho biết, sở dĩ những đội quân truy lùng gỗ quý phải dạt sang Đắk Nông tìm kiếm, là vì rừng Bù Đăng đã hết, chỉ còn lại toàn là rừng cao su mới trồng.
Có thể thấy rằng, hiện nay những khu rừng ở huyện Đồng Phú, Bình Phước đang bị tàn phá rất nghiêm trọng. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra, điều tra, nghiêm trị những kẻ tàn phá rừng để trả lại màu xanh cho rừng, cho đất nước.
Hoài Nam
>>Người ghi hình lâm tặc phá rừng - Bài 1: Nỗi đau của ông Tiến "kiện"
Bình luận (0)