Trò bịp bùa chú ở miền Tây - Bài 2: “Cao nhân” vào tù

18/11/2008 00:13 GMT+7

Thức dậy thành "cao nhân" "Thầy" Năm Búa kể rằng, chuyện tu luyện của ông bắt đầu bằng những... chén giấm, ông nốc cạn để "tẩy uế", rồi đóng cửa 3 năm để học bùa của "bề trên". "Những chữ bùa ở đâu cứ vo ve trong tiềm thức, để đến một ngày tui mở cửa bước ra, đạo mạo là một... cao nhân", ông nói. Ông Năm Búa nói không tin thì thật ức cho ông, bởi ông đã có... cây búa chứng minh(!).

Một ngày đẹp trời, người ta thấy ông Năm Búa có được một "vật quý trời cho". Ông nói rằng trước đây bụi chuối bên góc nhà ông bị trời đánh cháy khét. Từ đó về sau ông không trồng được cây gì ngay gốc chuối đó. Khi ông đào bỏ lớp đất mặt định đổ phân lên trồng cây thì gặp cây búa nằm dưới 3 tấc đất. Đưa tôi xem cây búa có nhiều vết mẻ, vị chủ nhân bảo "trước đây nó rất "linh", muốn cầu chuyện gì thì cứ khấn rồi lấy búa vỗ 3 cái là được như ý. Hàng xóm thấy nó lợi hại quá nên mới mượn đi cầu số đề, không ngờ khi "lên" nó lại đập người ta bể đầu. Từ đó tôi chỉ dùng nó cho chuyện giúp đời thôi". Cũng từ đó, người ta quên đi tên ông là gì, chỉ quen gọi biệt danh là "thầy Năm Búa" cho đến giờ.
 
 Phan Thanh Tân (giữa) bị đưa vào tắm dầu sôi

Cũng như "thầy" Năm Búa, phần lớn những ông thầy bùa mà tôi được diện kiến ở khắp miền Tây khẳng định rằng mình bước vào nghề là do “căn duyên"; là do "cõi trên" thấy mình có đức mà chỉ định phải ra tay cứu độ chúng sanh. Nói vậy chứ cũng chẳng có thầy bùa nào tuyên bố không nhận tiền của chúng sanh đến nhờ vả cả. Cái gọi là quyền năng của các "thầy" thì tôi chưa thấy đâu, nhưng có cái dễ thấy được là hầu hết các "thầy" đều có tài kể chuyện như thật, thật đến mức có khối người tin vô điều kiện, dù hẳn rằng trong các "thầy", chẳng ai có thể lặp lại những điều mình từng kể.

Giữa chốn thị phi bất phân, mấy phen suýt lung lạc với những câu chuyện nhuốm màu huyền bí, rốt cuộc tôi cũng tìm được một anh nông dân chân chất không "hù" người khác bằng những thành tích kinh hồn. Tôi không gọi anh là thầy bùa vì anh không sống bằng nghề pháp sư. Vợ chồng anh quanh năm cày cấy nuôi con. Nhưng anh cũng nói mình "có bùa" và lắm người tin tưởng gửi tính mạng cho anh mỗi khi bị rắn độc cắn. Nhà Tư Nho nằm trong phum Cô Đơn, thuộc xã An Cư, huyện Tịnh Biên, An Giang. Dẫn tôi đến tìm anh không phải là những câu chuyện tà thuật, mà là... cái lưỡi của anh.

Thiên hạ nói anh có lưỡi màu đen. Truyền thuyết nói người lưỡi đen có khả năng đặc biệt trong điều trị rắn cắn. Anh nhất quyết không le lưỡi cho bất cứ ai xem dù có tỏ ra thành ý. Tư Nho nói anh không học bùa chú gì của ai, mà chỉ nằm chiêm bao thấy "ông Lớn" về dạy bùa, thức dậy anh nhớ như in rồi vẽ ra cứu người thôi. Còn cái lưỡi đen anh có thể làm gì? Anh nói thường dùng lưỡi để liếm vào vết thương rắn cắn, đôi khi nó cũng có tác dụng. Chỉ liếm vào vết thương là anh biết được loài rắn nào cắn. Anh nói trị rắn cắn anh phải nhờ đến 3 cái: cái lưỡi, cái "bùa" và mấy vị thuốc do một người bà con truyền lại. Tôi hỏi rốt cuộc cái lưỡi đen, thuốc hay bùa chú giúp anh cứu được người? Anh lắc đầu không biết.

Mang tật, vào khám vì bùa

Tư Nho không cho xem cái lưỡi đen, nhưng lại có một người khác không ngần ngại làm chuyện đó. Lè cái lưỡi nhăn nhít vết sẹo, anh thợ hớt tóc Phan Thanh Tân ở thị trấn Cầu Kè, Trà Vinh nói đó là kết quả của một lần rạch lưỡi, lấy máu cho bùa. Tân hằng ngày hớt tóc kiếm tiền nuôi bà nội đã 89 tuổi. Trong dịp lễ hội Ông Bổn ở Cầu Kè, bất ngờ anh được chọn làm người thay thế một ông cụ đã quá tuổi.

...và sẹo ở lưỡi sau khi bị cắt lấy máu vẽ bùa - Ảnh: Tiến Trình

Là vì người ta nói có một vị thần muốn mượn xác anh để xuống trần cho bùa độ thế. Vậy là anh được lôi vào, thay quần áo, phải "gột rửa" bằng cách tắm dầu ăn được nấu sôi sùng sục trên chảo lửa. Tân nói ban đầu anh sợ muốn chết. Thế nhưng không hiểu sao anh không bị phỏng, những người cùng tắm dầu sôi với anh cũng không bị phỏng. Được thế, anh cũng làm theo những người khác là lấy dao rạch lưỡi để lấy máu vẽ bùa. Tôi hỏi Tân có học bùa ngày nào không? Tân lắc đầu nói anh đang rầu rĩ, than từ khi "dính" vào chuyện "mượn xác" rồi, anh không làm ăn gì được...

Còn Lương Minh Dư (huyện An Minh, Kiên Giang) thì mãi đến khi bị bắt giam vì tội "giết người" mới thú thật là không có thánh thần nào nhập vào anh cả. Số là Dư trùng tên với một nhân vật nổi tiếng ở miền Tây là ông Hội đồng Dư. Người dân ở đây gặp Dư thường gọi đùa là Hội đồng Dư. Trong một lần đến Núi Sam dự Vía Bà về, Dư nói mình được Đức Bà cho biết ông Hội đồng muốn nhập vào xác để trị bệnh, trừ tà cho chúng sinh. Nói là làm. Gã về nhà bày biện bàn thờ, lư hương đủ màu; bắt cha mẹ phải quỳ lạy, còn gã gọi đấng sinh thành của mình bằng "con nữ", "thằng nam".

Cha mẹ tin gã, xóm giềng cũng tin. Hàng trăm người từ nhiều nơi đến nhờ Dư trị bệnh, bắt ma, giải ếm. Mọi chuyện cứ diễn ra suôn sẻ cho đến một ngày Dư được chở đến một phụ nữ mắc bệnh tâm thần. Phán là có "ma nhập", gã trói bệnh nhân vào góc cột, thổi bùa. Bị chửi, gã đánh. Bệnh nhân vẫn chửi. Cho rằng "con ma này cứng đầu", gã đè "con ma" ra bóp cổ, cho đến khi người phụ nữ xấu số tắt thở. Bị bắt, Lương Minh Dư thú nhận trò lừa bịp của mình, nhưng sự thể đã quá muộn. (Còn tiếp)

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.