"Khát" vốn
UBND TP Đà Nẵng đã khẳng định chưa có thông tin chính thức về thời hạn di dời và xây mới chợ Cồn, chợ Hàn. Đồng thời việc di dời 2 chợ sẽ được thông báo cho bà con trước ít nhất 6 tháng. Hiện đang là thời điểm cận Tết m lịch - dịp mua may bán đắt nhất trong năm, nhưng tiểu thương một số ngành hàng lại bắt đầu gặp khó khăn trong kinh doanh.
Chị Thảo, một tiểu thương bán vải ở chợ Hàn cho biết: “Năm nay, các chủ hàng sợ nợ đọng, họ tranh thủ lấy tiền lại chứ không cho nợ như xưa; mọi năm có thể vay đến 100, 200 triệu tiền hàng để bán Tết, nhưng năm nay phải ứng trước ít nhất 50%, các chủ hàng đều yêu cầu “tiền tươi”, trong khi mình mua bán xoay vòng thì làm gì có tiền mặt”.
Nguyên nhân là do nhiều chủ hàng phân vân lo lắng không biết dời lên chợ tạm các tiểu thương sẽ buôn bán như thế nào. Đồng thời sau 2 vụ bể hụi liên quan đến nhiều tiểu thương ở các chợ vừa qua, tình hình biêu hụi cũng diễn ra dè dặt. Khi nguồn tiền từ biêu hụi của các tiểu thương bị hạn chế, họ buộc phải đi vay ngoài, lãi cao nhưng phải chịu.
Ông Nguyễn Đình Sáu – Trưởng ban quản lý chợ Hàn cho biết: “Hàng hóa nhìn chung giảm chứ không như trước đây. Ngân hàng Sài Gòn Thương tín trước đây cũng cho vay nhưng nay cũng lo ngại, rất hạn chế, họ chỉ chọn những hộ uy tín, vốn lớn chứ không cho vay đại trà như trước nữa”.
“Ví dụ vay 10 triệu thì tiền lãi tháng 300 - 400 ngàn đồng nếu quen, còn nếu không quen thì lãi lên đến 500 ngàn đồng/tháng. Nhiều người bể nợ vì buôn bán không ra mà trả tiền lãi vay quá cao” – chị Thảo lo lắng.
Xưa nay, tiểu thương đã quen nếp kinh doanh vay mượn để lấy hàng mà buôn, có sạp vải trị giá tiền hàng đến vài trăm triệu đồng, nhưng quá nửa số vốn đó là do gần chục chủ hàng ứng trước rồi lấy tiền góp sau. Nay khát vốn, tiểu thương buôn bán cầm chừng.
Thiếu hàng, vắng khách
Anh Phúc, một đầu mối vải ở các chợ trên địa bàn TP Đà Nẵng cho biết, vụ vỡ nợ trong đường dây biêu hụi vừa qua khiến nhiều tiểu thương không thể trả nợ cho anh mà phải xin trả lại hàng: “Tôi cũng bỏ vải ít hơn, vì cũng muốn thu hồi vốn; hơn nữa nghe thông tin dời chợ cũng ngại, người ta muốn lấy hàng thì phải thanh toán dứt điểm nợ cho tôi, nên họ không thể lấy hàng nhiều như trước nữa”.
Nhưng ngay cả việc thu hồi vốn của các chủ hàng hiện nay cũng rất khó khăn. Bỏ vốn ra vài trăm triệu đồng, trước đây mỗi ngày thu hồi vài triệu đồng, nay chỉ vài trăm ngàn đồng nên chủ hàng cũng ít muốn bán.
Tết m lịch chỉ còn hơn nửa tháng, nhưng các sạp hàng quần áo, đặc biệt là các sạp vải đìu hiu như chợ chiều. Chị Nhật, tiểu thương sạp vải chợ Cồn cho biết: “Mỗi ngày bán lai rai vài miếng đồ thì đâu có đủ tiền thuế, tiền góp. Mọi năm đây là mùa cao điểm, chứ năm nay khó bán lắm rồi, hàng vải càng ngày càng bế tắc...”.
Nguyễn Tú
Bình luận (0)